Sửa đổi Luật Đất đai - nhiều khuyến nghị cấp bách, khoa học

N.THU 06:06, 09/10/2023

Luật Đất đai là một dự án luật đặc biệt, có tác động mạnh đến toàn xã hội, đến mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp Nhân dân. Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp thực tiễn, tuy nhiên, đến nay, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bản mới nhất vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, khoa học từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và Nhân dân trong cả nước. 

Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai vừa diễn ra tại Đà Lạt
Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai vừa diễn ra tại Đà Lạt

Việc sửa đổi Luật Đất đai được Quốc hội dự thảo lấy ý kiến Nhân dân, tuy nhiên, đến nay, đã bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Qua nhiều lần góp ý, các chuyên gia trong nước và ứng dụng kinh nghiệm trên thế giới đã gửi gắm nhiều thông điệp bổ ích được Quốc hội ghi nhận...

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, Tư vấn Ngân hàng Thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, người được biết đến như một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003, mang lại nhiều điểm mới cho công tác quản lý đất đai, ông nhấn mạnh: “Xung đột pháp luật là một vấn nạn hiện nay trong quá trình xây dựng pháp luật. Thậm chí đây còn là nguyên nhân chính làm cho các cán bộ có thẩm quyền không dám hạ bút ký các dự án đầu tư hay các công văn hướng dẫn thi hành pháp luật. Đúng được luật này thì lại trái luật khác. Vậy nên “gác bút cho lành”, và cứ như vậy dòng chảy phát triển sẽ bị tắc nghẽn, và cuộc sống đành nằm yên chờ đợi…”.

Đó chính là những mâu thuẫn, bất cập trong triển khai các dự án luật hiện nay. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua “một Luật sửa nhiều Luật”, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (ngày 11/1/2022). Việc sửa đổi, bổ sung các luật này là cấp thiết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tế đang gặp phải. Tuy nhiên, việc phê duyệt các dự án bất động sản hiện nay vẫn bị ách tắc, làm cho thị trường bất động sản rơi vào thế đóng băng. Lý do chính là Luật Đất đai 2013 chưa được sửa đổi kịp thời, Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Về định nghĩa các loại đất, chuyên gia cho rằng, cần đưa vào “phân loại đất” tức là điều 9 phải trở thành một chương. Theo đó, việc quản lý các loại đất này cần quy định tương ứng với các nội dung về quản lý đất đai; việc sử dụng tuân thủ theo các pháp luật chuyên ngành. 

Các quy định về “quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất” trong chương III của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Các quyền được quy định chi tiết đối với từng loại quyền giao dịch gắn với đối tượng sử dụng đất trong hoàn cảnh cụ thể của việc sử dụng đất. Cách quy định như vậy làm cho các điều luật trở nên rất dài và khó nhận thức để áp dụng. Trong các quy định về quyền và nghĩa vụ đối với từng nhóm người sử dụng đất, trong mỗi nhóm có lẫn lộn giữa các trường hợp được giao dịch và không được giao dịch quyền sử dụng đất trên thị trường, làm cho khó nhận thức pháp luật. Mặt khác, các quyền của người sử dụng đất liên quan đến “quyền sử dụng đất” bao gồm quyền hưởng dụng, quyền phát triển, quyền bề mặt, quyền tài sản đã được quy định về mặt nguyên tắc trong Bộ Luật Dân sự nhưng chưa được thể hiện trong Luật Đất đai. Đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

Liên quan đến quyền bề mặt, hiện nay, trên phạm vi nước ta đã có xảy ra hiện tượng bất cập. Theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 quy định “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đó thuộc về chủ thể khác”. Bộ Luật Dân sự quy định như vậy thì theo các chuyên gia Luật Đất đai cũng cần phải có quy định cụ thể về quyền bề mặt và các hình thức giao dịch quyền bề mặt. Nghị quyết 18-NQ/TW cũng có yêu cầu “quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm”.

Thực tế theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học cho thấy trên thế giới, các nước đều coi việc nhà nước cho thuê không gian bên trên thửa đất và không gian ngầm trong lòng đất là nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước. Trong dự thảo Luật Đất đai lần này cũng chưa đề cập đến quyền bề mặt và quyền giao dịch bề mặt, vẫn giao quyền này cho Bộ Xây dựng quản lý. Ở đây lại tạo ra sự nhầm lẫn về quản lý tài nguyên trên không và tài nguyên trong lòng đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và sử dụng các loại tài nguyên này (Bộ Xây dựng). Các chuyên gia đề nghị ban soạn thảo luật tiếp tục nghiên cứu và xây dựng quy định cụ thể trong luật đất đai là người sử dụng đất có quyền đến độ cao bao nhiêu phía trên thửa đất và độ sâu bao nhiêu phía dưới thửa đất. Ngoài phạm vi đó là thuộc quyền của Nhà nước. Nếu không điều chỉnh như vậy thì Nhà nước sẽ bỏ phí một nguồn thu từ đất, nhất là trong phát triển đô thị hoặc tại những nơi có mật độ kinh tế dày đặc.

 Liên quan đến kiểm soát quyền lực khi Nhà nước thực hiện quyết định về đất đai và quản lý đất đai, trong phát biểu tham luận tại Hội thảo kinh tế quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng: Trên thực tế thời gian qua có rất nhiều cán bộ quản lý Nhà nước đã vướng vòng lao lý khi giải quyết các vấn đề về đất đai. Tất nhiên, thực trạng này là do các cán bộ quản lý đã nhúng tay vào tham nhũng, nhưng vì sao có thể nhúng tay vào tham nhũng nhiều như vậy là câu hỏi được đặt ra trong xây dựng Luật Đất đai. Một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu cho ý kiến là nhiều chỗ trong Luật Đất đai còn viết chung chung là “Nhà nước”, nhưng cụ thể “Nhà nước” ở đây là cơ quan nào thì cần phải làm rõ. Giải pháp được nêu lên là nên tách riêng 2 chức năng quyết định về đất đai và quản lý đất đai để trao cho 2 cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Có như vậy mới giảm được phần nào tác động rủi ro của tham nhũng.

Trên thế giới, hiện nay, các quốc gia đang sử dụng thể chế quản lý đất đai tổ chức theo ngành dọc, và chức năng quyết định về đất đai luôn thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương. Vì thế, ban soạn thảo cũng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để xem xét, quyết định tách biệt nhiệm vụ cụ thể đối với quyết định về đất đai và quản lý đất đai. Đây là công việc hoàn toàn mang tính kỹ thuật, không mấy khó khăn.