Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học về giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp

QUỲNH UYỂN 20:02, 19/05/2024

(LĐ online) - Sau hơn 2 năm tiến hành nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì thực hiện.

Các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng đề tài có giá trị ứng dụng cao

Giám định tư pháp là một hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ cho công tác điều tra, tố tụng, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và công tác thi hành án hình sự.

Đối với các vụ án, hoạt động giám định tư pháp là một nguồn chứng cứ để giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) giải quyết vụ án, vụ việc đúng bản chất, đúng pháp luật, đảm bảo khách quan, công bằng.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tỉnh Lâm Đồng đánh giá những giải pháp đề tài đưa ra rất sát với thưc tiễn

Qua hơn 2 năm, ông Nguyễn Văn Yên - Nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự đã đi sâu nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế đó.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề ra các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và công tác thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng đề tài có giá trị ứng dụng cao

Từ năm 2016 đến nay, hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Lâm Đồng đã đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, vụ việc đúng pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp vẫn còn một số hạn chế, tồn tại tạo ra những “điểm nghẽn” gây ra khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Nhóm đã sử dụng 5 phương pháp nghiên cứu: Thu thập số liệu, nghiên cứu định lượng, phân tích định tính, thu thập ý kiến của các chuyên gia (tổ chức 2 hội thảo), phân tích tổng kết kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến 

Hội đồng Khoa học và các thành viên phản biện đã đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài; trong đó, các thành viên phản biện đều cho rằng: Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước nghiên cứu về vấn đề này, việc tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác giám định tư pháp đã được đặt ra. Nhìn tổng thể thì đây là công trình đồ sộ với độ dài 3 chương, chuyển tải tốt các thông tin, giải quyết được các nhiệm vụ đặt ra.

Đặc biệt, đề tài đã đưa ra được 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, có nhiều giải pháp mang tính khả thi cao, có giá trị ứng dụng thực tiễn; những kiến nghị xác đáng thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý địa phương. Đưa vào áp dụng giải pháp sẽ tháo gỡ được các “điểm nghẽn” trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Hội đồng khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra các giải pháp mới chỉ dừng lại ở nâng cao, chứ chưa có giải pháp đổi mới như tên của đề tài. Việc khảo sát về các mô hình tổ chức công tác giám định mới chỉ đưa ra 2 bản trưng cầu số liệu của cơ quan điều tra và tòa án, thiếu bản khảo sát của viện kiểm sát (cơ quan tố tụng)…

Bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ ghi nhận kết quả đạt được của đề tài

Đề tài được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá cao kết quả đạt được bởi đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra và có giá trị ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó, phục vụ nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.


Từ khóa:

lâm đồng