(LĐ online) - Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
So với các nghị định trước đây, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có một số điểm mới trong quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước; về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; về hoạt động quản lý cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; quy định nhằm tăng cường giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Ảnh minh họa |
TRẺ EM DƯỚI 16 TUỔI KHÔNG ĐƯỢC TẠO TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI
Quy định này là điểm mới trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm.
Nghị định quy định về việc xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; đồng thời, cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu
Nghị định cũng yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam…; kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật.
Đặc biệt, trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản mạng xã hội; mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng xã hội; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng…
Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng quy định các trang thông tin điện tử của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (có hosting tại Việt Nam hoặc có truy cập từ 100.000 lượt trở lên) phải thực hiện thủ tục thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông và tuân thủ quy định nêu trên.
Ảnh minh họa |
NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI KHÔNG ĐƯỢC CHƠI GAME QUÁ 180 PHÚT/NGÀY
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP điều chỉnh, cắt giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết và giảm thời gian thẩm định, cấp phép, cấp đổi giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ game G2, G3, G4 trên mạng và giấy xác nhận phát hành trò chơi G2, G3, G4 trên mạng.
Bổ sung quy định không cấp phép đối với game mô phỏng như trong casino, game sử dụng hình ảnh lá bài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới người chơi. Yêu cầu xác thực người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.
Đặc biệt, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đặt ra các quy định bảo vệ trẻ em khi chơi game. Cụ thể, người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập.
Doanh nghiệp game, doanh nghiệp cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp Internet phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi. Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 1 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định phòng chống game lậu, game xuyên biên giới: Dán nhãn các game đã được cấp phép; các kho ứng dụng xuyên biên giới phải chặn, hạ các game chưa được dán nhãn; tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán của Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam, gồm cả việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bổ sung quy định về quản lý và phát hành thẻ game: Chỉ sử dụng thẻ game để cho phép người chơi nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng hợp pháp của chính doanh nghiệp đó hoặc của các doanh nghiệp khác trong một tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con của doanh nghiệp đó; không sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng không phép hoặc vào mục đích khác.
ĐIỀU KIỆN MỞ DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÔNG CỘNG
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” ghi rõ tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh.
Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là đại lý Internet thì thêm nội dung “Đại lý Internet”. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp thì thêm nội dung “Điểm truy nhập Internet công cộng”.
Ngoài ra, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an.
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP đã bỏ các điều kiện đáp ứng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Cụ thể, địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có chiều dài đường bộ ngắn nhất từ cửa chính hoặc cửa phụ của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tới cổng chính hoặc cổng phụ của cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú từ 200m trở lên.
Tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III; tối thiểu 40m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30m2 tại các khu vực khác.
Ngoài ra, cũng bỏ các điều kiện về bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy; nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin