Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không gian mạng đã mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức...
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không gian mạng đã mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức. Sau hơn 20 năm Internet có mặt ở Việt Nam (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới.
Do vậy, việc ra đời Luật An ninh mạng là phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Thực tiễn thi hành Luật An ninh mạng ở Lâm Đồng sau 1 năm có hiệu lực, đại đa số ý thức của người dùng đã được nâng lên. Phần lớn người dân, người sử dụng lành mạnh, nghiêm túc đều đồng tình với Luật này. Sau 1 năm thực hiện Luật An ninh mạng đã có nhiều thông tin hữu ích, chính xác và lành mạnh hơn. Nhiều thông tin, bài viết, video có xu hướng kích động, ảnh hưởng tiêu cực tới chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn chặn, xử lý. Mọi người được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận trong khuôn khổ của pháp luật.
Điều này khác hẳn với những luận điệu xuyên tạc, chống đối trước khi Luật được thông qua như: mất tự do cá nhân, tự do ngôn luận, ảnh hưởng đến việc mua bán quảng bá trên không gian mạng...Ngược lại, Luật khi đi vào cuộc sống cũng đã bảo vệ tốt hơn đời tư và lợi ích của người dân trên không gian mạng. Còn đối với hoạt động kinh doanh, trao đổi, buôn bán trên không gian mạng, hơn 1 năm qua vẫn diễn ra thuận lợi. Luật An ninh mạng không hề có bất cứ cản trở nào nếu những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Từ khi Luật ra đời, các cơ quan chức năng Lâm Đồng luôn coi việc kiểm soát tin giả, lập lại trật tự thông tin trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách. Các ngành chức năng đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp tung tin giả, đời tư cá nhân của người dân được bảo vệ, hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng hiệu quả thiết thực. Nhằm tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức; ngành công an đã tổ chức 6 lượt tập huấn trong các cơ quan, ban, ngành với khoảng 2.200 người tham gia.
Để đảm bảo an ninh mạng tại địa phương được triển khai thống nhất, đảm bảo theo định hướng tổng thể của Bộ Chính trị trong thời gian tới, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 25/7/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia tại Lâm Đồng.
Theo số liệu thống kê từ Sở Thông tin - Truyền thông (tính từ 1/1/2019 đến nay): đã có 55 chủ thể - sở hữu 69 trang thông tin điện tử, gồm cả facebook (5 tổ chức và 50 cá nhân) bị kiểm tra thì có 30 cá nhân, tổ chức vi phạm, lập biên bản kiểm tra, nhắc nhở 2 tổ chức và 19 cá nhân; đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam tạm ngưng cung cấp dịch vụ tên miền và thu hồi tên miền đối với 5 website vi phạm; đề nghị Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử chặn truy cập người dùng từ Việt Nam đối với website sử dụng web hosting tại nhà cung cấp ở nước ngoài; quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 cá nhân với số tiền xử phạt hành chính 30.000.000 đồng.
Lâm Đồng qua 1 năm thực hiện Luật An ninh mạng đã có những kết quả tích cực, trở thành hành lang pháp lý quan trọng để người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm, hạn chế đến mức thấp nhất những thông tin thất thiệt, lừa đảo, thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật thì người dùng cần có trách nhiệm với chính mình, thực hiện nghiêm túc phát ngôn, bất kể là ai cũng phải tuân thủ quy định pháp luật.
THU DUNG