Những quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức

07:01, 17/01/2021

Kê khai tài sản, thu nhập được xem là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng tham nhũng trong cán bộ, công chức.

Kê khai tài sản, thu nhập được xem là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng tham nhũng trong cán bộ, công chức.
 
Cán bộ, công chức mới được tuyển dụng cũng phải kê khai tài sản, thu nhập
Cán bộ, công chức mới được tuyển dụng cũng phải kê khai tài sản, thu nhập
 
Dưới đây là các trường hợp cán bộ, công chức phải kê khai tài sản theo quy định từ năm 2021.
 
Mới tuyển dụng cũng phải kê khai tài sản
 
Theo Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, hiện nay, có 3 hình thức kê khai tài sản, thu nhập là kê khai lần đầu, kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; kê khai hằng năm.
 
Trong đó, kê khai lần đầu áp dụng với các trường hợp đang giữ các vị trí công tác và lần đầu giữ vị trí công tác trong các trường hợp sau đây:
 
- Cán bộ, công chức.
 
- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
 
- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Trong đó, với người đang giữ vị trí công tác thì phải hoàn thành việc kê khai trước ngày 31-12-2019. Riêng người lần đầu giữ vị trí công tác (người mới được tuyển dụng vào công chức) thì hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
 
Đồng thời, những đối tượng này nếu trong năm có biến động tăng hoặc giảm tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì phải kê khai bổ sung.
 
Như vậy, có thể thấy, những đối tượng cán bộ, công chức mới được tuyển dụng cũng phải kê khai tài sản, thu nhập trong 10 ngày từ ngày được tuyển dụng.
 
Cán bộ, công chức nào phải kê khai thu nhập hàng năm?
 
Tại khoản 3, Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng, kê khai hằng năm được thực hiện trong trường hợp:
 
- Người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở trở lên (hoàn thành trước ngày 31-12);
 
- Những người không thuộc trường hợp trên thì phải làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác (hoàn thành trước 31-12).
 
Để hướng dẫn cụ thể quy định này, Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định, người có nghĩa vụ kê khai trong 2 trường hợp nêu trên gồm:
 
- Các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên và thẩm phán.
 
- Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
 
- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên công tác trong 105 lĩnh vực nêu tại phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Có thể kể đến:
 
Quản lý các đối tượng nộp thuế; Thu thuế, kiểm soát thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, quản lý và cấp phát ấn chỉ; Xử lý công nợ, các khoản nợ xấu; hoạt động mua và bán nợ; thẩm định, định giá trong đấu giá; Cấp giấy chứng nhận nhập khẩu mỹ phẩm; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Giao hạn mức đất; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng…
 
Có thể thấy, đây là các đối tượng có cơ hội tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao hơn so với các nhóm khác nên phải kiểm soát thu nhập, tài sản hằng năm.
 
Chọn ngẫu nhiên cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập
 
Để thực hiện kế hoạch xác minh, khoản 3, Điều 15 Nghị định 130/2020 nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
 
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.
 
Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
Theo quy định này, có thể thấy, bất cứ cán bộ, công chức nào cũng có thể được chọn "ngẫu nhiên" để xác minh thu nhập, tài sản. Qua đó, đảm bảo ít nhất 10% cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai hàng năm phải được xác minh.
 
Tuy nhiên, dù được quy định là xác định "ngẫu nhiên" nhưng phải đảm bảo ít nhất có 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
(Theo nld.com.vn)