Khinh khí cầu không phải là một phương tiện lý tưởng để do thám, nhưng theo chuyên gia, nó khó có thể bị hệ thống radar để ý vì nghĩ rằng chúng đơn giản hơn về mặt công nghệ.
Khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận Billings, Montana, Mỹ, ngày 2/2/2023 |
Sự cố khinh khí cầu lạ xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ và Washington nghi ngờ đây là khinh khí cầu do thám từ Bắc Kinh đã đẩy quan hệ hai nước xuống một cấp độ mới.
Ngày 4/2, truyền thông Mỹ đưa tin máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc đi qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương, vào chiều cùng ngày (giờ địa phương). Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố bày tỏ "hết sức bất bình và phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự". Tuyên bố nhấn mạnh động thái này của Mỹ là "hành động quá mức và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố khẳng định việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế nên khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.
Trong thế kỷ 19, khinh khí cầu là một công cụ quan trọng để thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tính hữu dụng của phương tiện này đã giảm mạnh. Vào những năm 1950, Mỹ đã sử dụng khinh khí cầu tầm cao để do thám Liên Xô song đã bị bắn hạ. Dần dần, các quả khinh khí cầu được thay thế. Đầu tiên là máy bay trinh sát tầm cao U-2 và sau đó là vệ tinh trinh sát Corona, thế hệ vệ tinh do thám đầu tiên mà nhiều quốc gia sử dụng ngày nay.
Rõ ràng, khinh khí cầu không phải là một phương tiện lý tưởng để do thám. Kích thước của nó lớn và khó ẩn thân. Khinh khí cầu phụ thuộc vào hướng gió để điều hướng và và về cơ bản là không thể điều khiển được. Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản đã đưa những quả khinh khí cầu để thả bom lửa xuống bang Washington với mục tiêu cụ thể là Seattle song nỗ lực đã thất bại. Chính vì vậy, khinh khí cầu do thám trở thành là một lựa chọn kỳ lạ đối với một đối thủ có công nghệ tiên tiến và phức tạp.
Bên cạnh đó, khinh khí cầu phải mang theo trọng tải cảm biến để thu thập thông tin, nhưng do khí cầu sẽ không bao giờ quay trở lại căn cứ nên phải có cách nào đó để chuyển dữ liệu đã thu thập được về căn cứ. Vào những năm 1960, Mỹ đã phát triển một công nghệ phức tạp cho phép một chiếc máy bay C-130 mang theo dữ liệu được thả xuống từ các vệ tinh do thám đầu tiên.
Để sử dụng một hệ thống tương tự, Trung Quốc sẽ phải điều một chiếc máy bay lớn qua lãnh thổ Mỹ và rõ ràng động thái này là rất mạo hiểm. Một phương án được đặt ra là khinh khí cầu có thể truyền tải bất kỳ dữ liệu nào được thu thập lên một vệ tinh của Trung Quốc ở quỹ đạo, song cho đến hiện giờ vẫn chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo nào về việc truyền sóng vô tuyến từ khinh khí cầu.
Vậy tại sao giữa muôn vàn vệ tinh hiện đại, Mỹ vẫn nghĩ quả khinh khí cầu mà Trung Quốc một mực khẳng định mang mục đích dân sự lại mang công dụng do thám?
Trung Quốc có một mạng lưới vệ tinh rộng khắp. Trong một báo cáo vào tháng 11/2022, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết lực lượng vệ tinh tình báo, giám sát và có khả năng do thám (ISR) của Trung Quốc có hơn 260 hệ thống, chỉ đứng sau Mỹ tính đến cuối năm 2021. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ngày 2/2 lưu ý có thể đối với Trung Quốc, quả khinh khí cầu bay ngang qua bang Montana “có giá trị bổ sung từ góc độ thu thập thông tin tình báo”.
James Char, nhà nghiên cứu của Chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với TIME rằng khinh khí cầu do thám có một số lợi thế khi hoạt động. Khinh khí cầu có thể vượt qua các điều kiện khắc nghiệt và chi phí ít tốn kém hơn khi vận hành so với các vệ tinh.
Vào năm 2020, các học giả của Viện Khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng bất chấp môi trường khắc nghiệt ở độ cao hơn 20.000 m so với mặt đất, khinh khí cầu tầm cao có khả năng hoạt động lâu dài, đạt được phạm vi bao phủ lâu và rộng hơn để quan sát và phát hiện trong khu vực”.
Trong khi đó, việc phát triển, phóng, vận hành và bảo hiểm một vệ tinh có thể tiêu tốn tới 300 triệu USD.
Chuyên gia Char chỉ ra khinh khí cầu cũng khó có thể bị hệ thống radar để ý vì nghĩ rằng chúng đơn giản hơn về mặt công nghệ. Các quan chức Mỹ thừa nhận khinh khí cầu bay qua Bắc Mỹ trong tuần này lần đầu tiên được phát hiện bởi hành khách ngồi trên máy bay.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin