70 nước ủng hộ PSI và các nước quan sát viên đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng liên quan đến các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại địa điểm bí mật của Triều Tiên |
Ngày 30/5, một nhóm quốc gia ủng hộ Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) đã tái khẳng định cam kết ngăn chặn tình trạng chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và các vật liệu liên quan.
Theo hãng tin Yonhap, thỏa thuận trên đạt được tại một diễn đàn cấp cao ở đảo Jeju của Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm ngày phát động PSI.
Tham gia sự kiện có các đại biểu của 70 quốc gia ủng hộ PSI và các quốc gia quan sát viên, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Trong tuyên bố chung, các quốc gia tham gia diễn đàn cam kết cải thiện các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực chống phổ biến WMD, cũng như giải quyết các thách thức do các công nghệ mới nổi và các hoạt động phổ biến WMD trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi.
Tuyên bố đề cập đến những mối lo ngại mới nổi như các hoạt động tài trợ phổ biến WMD liên quan đến tiền kỹ thuật số, các hoạt động chuyển giao công nghệ "ngầm" và các thủ đoạn phổ biến WMD ngày càng tinh vi nhằm "lách luật" quốc tế.
Các quốc gia thành viên của PSI cũng lưu ý rằng các công nghệ mới nổi như in 3D, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử, có thể tạo ra thêm thách thức đối với nỗ lực chống phổ biến WMD.
Các quốc gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng liên quan đến các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời cam kết xây dựng một kế hoạch hành động để hiện thực hóa tuyên bố chung.
PSI được khởi động vào năm 2003 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush để ngăn chặn tình trạng buôn bán WMD, hệ thống phân phối WMD và các vật liệu liên quan.
PSI tổ chức một cuộc họp chính trị cấp cao 5 năm một lần để xem xét và đưa ra hướng dẫn cho sáng kiến.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin