Liên minh châu Âu (EU) đã tăng đáng kể các mục tiêu năng lượng tái tạo, theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, 42,5% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo thay vì ở mức 32% như hiện nay.
Trang trại điện gió ở gần Toulouse, Pháp |
Ngày 28/6, một ủy ban trong Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ các mục tiêu năng lượng tái tạo mới của Liên minh châu Âu (EU), nhưng phản đối sự thay đổi vào phút cuối cho phép các nhà máy amoniac của Pháp và các nước khác có thể được miễn trừ và tăng cường năng lượng hạt nhân.
EU đã tăng đáng kể các mục tiêu năng lượng tái tạo, theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, 42,5% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo thay vì ở mức 32% như hiện nay.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, các nước EU và EP đã đạt được thỏa thuận về dự luật năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên thỏa thuận này đã bị Pháp và một số quốc gia khác trì hoãn trong nhiều tuần nhằm tìm kiếm sự công nhận lớn hơn đối với năng lượng hạt nhân - loại năng lượng phát thải carbon thấp nhưng không thể tái tạo.
Bế tắc được khai thông trong tháng này khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cam kết bằng văn bản với Pháp rằng sẽ xem xét miễn trừ một số nhà máy amoniac nhất định khỏi các mục tiêu nhiên liệu tái tạo, theo đó cho phép các nhà máy này chạy bằng nhiên liệu hạt nhân.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng điều này không nên tạo tiền lệ nếu không toàn bộ quy trình lập pháp thông thường sẽ mất ý nghĩa.
Theo kế hoạch, dự luật trên vẫn cần được toàn thể EP và các nước EU chính thức thông qua để có hiệu lực.
Đến năm 2021, khoảng 22% năng lượng sử dụng tại EU là từ các nguồn tái tạo nhưng tỷ lệ ở mỗi nước có sự chênh lệch đáng kể.
Thụy Điển dẫn đầu với tỷ lệ năng lượng tái tạo là 65% nhưng ở các nước như Luxembourg, Malta, Hà Lan và Cộng hòa Ireland năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 13% tổng năng lượng sử dụng.
Trước đó, kế hoạch cải cách thị trường điện của các nước thành viên EU đã vấp phải trở ngại sau khi Thụy Điển đưa ra một đề xuất kéo dài trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than.
Bộ trưởng Năng lượng các nước EU nhóm họp tại Luxembourg vào ngày 19/6 nhằm đạt được quan điểm chung về các quy tắc mới đối với thị trường điện của khối, nhắm đến việc mở rộng nguồn cung điện phát thải ít carbon và tránh để tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022 khi người dân phải chi trả hóa đơn năng lượng đắt đỏ do giá khí đốt ở mức cao kỷ lục.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022 nói trên, EU đã đưa ra đề xuất cải cách thị trường điện với mục tiêu chuyển đổi hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch.
Các nước EU cho rằng các cơ sở năng lượng tái tạo mới và được nhà nước trợ cấp cùng với các nhà máy điện hạt nhân phát thải carbon thấp cần duy trì hợp đồng giá cố định, qua đó nhằm bình ổn hơn nữa giá điện.
Tại cuộc họp nói trên, các bộ trưởng cần thảo luận và đi đến thống nhất các chi tiết cho cải cách này, chẳng hạn như cách thức chi tiêu bất kỳ khoản doanh thu nào từ các dự án trợ cấp.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề này đã trở nên phức tạp sau khi Thụy Điển, nước đóng vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong tháng 6 này, đưa ra một đề xuất muộn màng, cho phép các nước thành viên kéo dài cơ chế trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than.
Nói cách khác, các nước sẽ tiếp tục nhận được trợ cấp để duy trì đủ năng lượng sản xuất điện dự trữ nhằm tránh xảy ra tình trạng mất điện.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin