Ukraine thiết lập tuyến vận tải biển tạm thời duy trì xuất khẩu ngũ cốc

05:40, 20/07/2023

Ukraine đang hướng tới việc thiết lập một tuyến vận tải biển tạm thời để duy trì hoạt động vận chuyển ngũ cốc sau khi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực ngày 17/7 vừa qua mà không được gia hạn.

Tàu chở ngũ cốc Ukraine di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/8/2022
Tàu chở ngũ cốc Ukraine di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/8/2022

Trong lá thư đề ngày 18/7 gửi tới cơ quan vận tải biển Liên hợp quốc - Tổ chức Vận tải biển quốc tế (ISO), Ukraine đã thông báo quyết định thiết lập cơ sở tạm thời cho một tuyến đường biển được đề xuất. Quyền Bộ trưởng Cộng đồng, lãnh thổ và phát triển cơ sở hạ tầng Ukraine Vasyl Shkurakov cho biết mục đích của quyết định trên là tạo điều kiện khơi thông hoạt động vận tải biển quốc tế ở vùng phía Tây Bắc của Biển Đen.

Trong lá thư, phía Ukraine cũng cho biết tuyến vận tải được đề xuất đi qua vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Romania, một trong những nước láng giềng của Ukraine ven Biển Đen.

Sau khi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Kiev đang đánh giá các phương án để duy trì việc vận chuyển ngũ cốc, đảm bảo cung ứng cho nước ngoài. Các công ty bảo hiểm cũng đang xem xét lại về việc cung cấp hợp đồng bảo hiểm tàu đến Ukraine.

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn thạo tin cho biết một cơ chế bảo hiểm hàng hóa cho các hoạt động vận chuyển qua những tuyến đường thuộc Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen đã tạm dừng. Phí bảo hiểm rủi ro xung đột, được áp dụng khi tàu thuyền đi vào vùng Biển Đen, được cập nhật sau mỗi 7 ngày. Chi phí này đã lên đến hàng nghìn USD và dự kiến sẽ còn tăng trong khi các chủ tàu hiện cũng do dự trước quyết định đưa tàu vào vùng biển có xung đột.

Chia sẻ trên Twitter ngày 19/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin sẽ hỗ trợ Ukraine khi nước này xem xét mọi phương án xuất khẩu ngũ cốc khác để thay thế những tuyến đường đã bị tạm đóng sau khi thỏa thuận trên hết hiệu lực. Bà Baerbock đề xuất một số tuyến đường "đoàn kết" của Liên minh châu Âu (EU) bằng đường bộ, đường sắt và đường thủy để thay thế những tuyến đường cũ. Bà nêu rõ thông qua sáng kiến này, EU cam kết tiếp tục vận chuyển nông sản từ Ukraine ra thị trường quốc tế.

Hiện một tuyến đường thay thế được đánh giá khả thi là tuyến đường thủy qua sông Danube chạy dọc biên giới Tây Nam Ukraine và Romania. Tuy nhiên, một số nước láng giềng lại đang kêu gọi châu Âu gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine do lo ngại tăng tính cạnh tranh với nông sản trong nước.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 19/7, những người đứng đầu ngành nông nghiệp 5 quốc gia láng giềng của Ukraine tại khu vực Trung Âu gồm Bulgaria, Hungary, Slovakia, Romania và Ba Lan, đã tham dự cuộc họp tại Vacsava thảo luận về lệnh cấm nêu trên. Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp chủ nhà Robert Telus cho biết các quốc gia này muốn gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine ít nhất cho đến cuối năm 2023. Theo đó, các bên tham gia cuộc họp đã chuẩn bị và ký kết một biên bản nhất trí lập trường chung liên quan đến việc gia hạn lệnh cấm nhập khẩu 4 loại ngũ cốc Ukraine vào thị trường các nước này sau ngày 15/9. Tuy nhiên, quan điểm chung của các nước vẫn cho phép quá cảnh các loại ngũ cốc kể trên.

Trước đó vào tháng 5, EU đã cho phép 5 quốc gia thành viên kể trên cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương nhập khẩu từ Ukraine trên thị trường nội địa, đồng thời cho phép trung chuyển các mặt hàng này tới các khu vực khác để phục vụ xuất khẩu. Lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/9 tới. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng tuyên bố không mở cửa biên giới đối với ngũ cốc Ukraine sau ngày 15/9, đồng thời nhấn mạnh "hoặc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đồng ý gia hạn lệnh cấm này, hoặc Ba Lan sẽ tự làm điều đó". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Vacsava sẽ cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh lãnh thổ Ba Lan.

(Theo Baotintuc.vn)