Một số quốc gia đang tìm cách gia nhập nhóm BRICS với mong muốn thách thức quyền bá chủ của phương Tây. Trong khi đó, nhóm 5 quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác toàn cầu.
Quốc kỳ của Nam Phi, Ấn Độ, Nga, Brazil và Trung Quốc trong phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Hạ Môn, Trung Quốc vào ngày 4/9/2017 |
Thành lập vào năm 2001, nhóm BRIC – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - được dự đoán sẽ chiếm 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tính theo sức mua tương đương vào năm 2030. Và giờ đây, nhóm này cũng đang dần phát triển theo cấu trúc chính trị.
Nam Phi đã gia nhập BRIC sau lời mời của Trung Quốc vào năm 2010. Lời mời này đã trở thành động lực cho chính quyền của Tổng thống lúc bấy giờ là Jacob Zuma, vốn đang mong muốn xoay trục xa hơn về phía Đông. Sau khi kết nạp Nam Phi, BRICS cũng đạt được lợi ích khi có một thành viên chủ chốt của châu Phi và là nước dẫn đầu khu vực này.
Kể từ đó, hoạt động của BRICS đã mang tính chính trị rõ ràng hơn, đặc biệt là về nhu cầu cải cách các thể chế toàn cầu, bên cạnh mục đích kinh tế ban đầu.
Trong những tháng gần đây, khả năng BRICS tiếp tục mở rộng đã trở thành tiêu điểm trên nhiều phương tiện truyền thông. Thông tin này xuất hiện vào thời điểm BRICS đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, dự kiến diễn ra vào ngày 22 – 24/8 tới.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johannesburg cho rằng khả năng mở rộng BRICS sẽ không dễ dàng. Nguyên nhân là vì BRICS vẫn tập trung vào việc hài hòa tầm nhìn mà các thành viên tiềm năng không dễ dàng thực hiện được.
Trong đó, một số ứng cử viên thậm chí có thể tạo động lực gây mất ổn định cho các thành viên sáng lập. Quan trọng hơn, việc mở rộng khối còn có nguy cơ khiến nỗ lực thay đổi trật tự toàn cầu diễn ra chậm hơn nhiều. Nói một cách đơn giản, trong khi một số quốc gia thành viên phản đối quyền bá chủ của phương Tây, họ vẫn chưa nhất trí về giải pháp thay thế mới.
Những bước tiến của BRICS
Đặc điểm chính trị rõ nét của BRICS một phần dựa trên lịch sử không liên kết lâu đời của Hội nghị Bandung năm 1955. Hội nghị này có sự tham gia chủ yếu của các quốc gia mới thoát khỏi chế độ thuộc địa và các phong trào độc lập muốn định khẳng định vị thế trước các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh.
Và giờ đây, một số nhà quan sát coi BRICS đang đối trọng với Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Hãng tin Reuters ước tính rằng hơn 40 quốc gia đang mong muốn gia nhập BRICS. Nhà ngoại giao Nam Phi Anil Sooklal cho biết 13 nước đã chính thức nộp đơn xin gia nhập hồi tháng 5. Nhiều quốc gia trong số đó có tham vọng thách thức quyền bá chủ của Mỹ.
Động lực quan trọng khác khiến nhiều nước muốn gia nhập BRICS là khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Mới của khối. Điều này đặc biệt rõ rệt trong bối cảnh hậu COVID-19 khi nhiều nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Tất nhiên, một số quốc gia mong muốn gia nhập BRICS với cả hai mục đích trên, như trường hợp của Iran.
Các ứng viên đáng chú ý hiện nay bao gồm Saudi Arabia, Belarus, Ethiopia, Argentina, Algeria, Iran, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thách thức trong mở rộng BRICS
Giới chuyên gia nhận định khi BRICS mở rộng về mặt chiến lược, điều này sẽ gây ra cơn địa chấn đối với trật tự thế giới, chủ yếu là về mặt kinh tế.
Mục tiêu chính trong số các ưu tiên của nhóm là giảm phụ thuộc vào đồng USD, tức là phi đô la hóa nền kinh tế toàn cầu. Song một trong những trở ngại là phần lớn các nước trên thế giới chưa ủng hộ nỗ lực này. Mặc dù một số nước có thể không ủng hộ sự thống trị của đồng USD, song họ vẫn coi đây là loại tiền tệ đáng tin cậy nhất.
Với tốc độ toàn cầu hoá hiện nay, không chắc sẽ có những nỗ lực ngăn cản phương Tây tiếp cận các tuyến đường thương mại và khoáng sản chiến lược như đã xảy ra trong Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, những nước mới gia nhập khối có thể sẽ sử dụng tư cách thành viên BRICS để đàm phán các đối tác phương Tây, điều đó giúp họ có nhiều lựa chọn hơn.
Đây là thách thức và cũng là nghịch lý đối với việc mở rộng BRICS. Một mặt, nhóm này vẫn chưa đưa ra lý do gì để chứng minh tính hiệu quả của việc phi đô la hóa. Mặt khác, 5 thành viên hiện tại của BRICS cũng cần phải chọn lọc những ứng cử viên phù hợp nhất.
Trong số đó, BRICS phải xem xét hồ sơ của các ứng viên, cũng như mối quan hệ của họ với phương Tây. Kinh nghiệm về việc có một nhà lãnh đạo cánh hữu, như cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, có quan điểm trung lập, chắc hẳn là một bài học về sự cần thiết phải thận trọng khi kết nạp thành viên mới.
Cân nhắc các ứng cử viên tiềm năng
Nếu xét đến tiêu chí này, những quốc gia có nguyện vọng như Saudi Arabia và Mexico dường như ít có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập khối trong ngắn hạn, cho dù Saudi Arabia giàu dầu mỏ và Mexico có nhà lãnh đạo tiến bộ cánh tả là ông Andres Manuel Lopez Obrador.
Mặc dù hiện tại cả hai quốc gia này có thể đang trải qua những mối quan hệ rạn nứt với Washington, nhưng Saudi Arabia và Mexico đã chứng minh được khả năng nối lại quan hệ sau những bất đồng trước đây với Mỹ, mối quan hệ mà họ dường như gắn bó chặt chẽ với nhau.
Saudi Arabia có mối quan hệ quân sự lâu dài với Mỹ, trong khi Mexico là đối tác thương mại số 1 của Mỹ.
Ngoài ra, việc đánh giá các thành viên tiềm năng còn phải tính đến mối quan hệ giữa các thành viên mới và thành viên cũ. Điều này bắt nguồn từ bài học quan trọng là bất đồng giữa hai thành viên lớn nhất của nhóm - Trung Quốc và Ấn Độ - liên quan vấn đề biên giới. Do mối quan hệ không thoải mái giữa 2 thành viên này, BRICS đã phải cảnh giác với tầm quan trọng của quan hệ song phương trực tiếp và giải quyết mâu thuẫn giữa các nhà lãnh đạo trong nhóm.
Trong số các ứng viên, Saudi Arabia, vốn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Moskva trong quá khứ. Nước này cũng không hoà hảo với Iran, một ứng viên khác, mặc dù họ đã nối lại quan hệ gần đây.
Và ứng viên phù hợp nhất để gia nhập BRICS hiện nay dường như là quốc gia ở vùng Caribe - Cuba. Nước này có mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên cũ và cũng có lập trường vững chắc trong vấn đề thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Cuba đã phải hứng chịu lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt suốt 60 năm qua.
Cuba cũng là quốc gia đi đầu trong phong trào cánh tả Mỹ Latinh, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều quốc gia ở Trung và Nam Mỹ - đặc biệt là Guatemala, Honduras, Nicaragua và Venezuela. Và chắc chắn, tư cách thành viên BRICS sẽ tăng cường ảnh hưởng của quốc gia này.
Giới chuyên gia nhận định nếu muốn việc mở rộng BRICS trở thành tác nhân thay đổi cục diện thế giới, nhóm này sẽ phải hành động. Song việc có các đối thủ, hoặc các quốc gia có mâu thuẫn với nhau, cùng gia nhập một khối, dường như không phù hợp với mục tiêu đó.
Theo các nhà quan sát, mở rộng khối một cách thận trọng và có chiến lược, các quốc gia BRICS dường như sẽ theo đuổi chiến lược BRICS+, ít nhất là trong ngắn hạn. Nói cách khác, có thể xuất hiện các lớp thành viên khác nhau - tư cách thành viên đầy đủ sẽ được cấp cho các quốc gia đáp ứng các tiêu chí của nhóm theo thời gian.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin