Giữ mục tiêu khí hậu toàn cầu đúng hướng

06:28, 16/10/2023

Tại phiên toàn thể Hội nghị thường niên mùa thu diễn ra ở Marrakech (Maroc), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hối thúc các nước thành viên tăng cường hỗ trợ nỗ lực chống đói nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh thế giới đối mặt khủng hoảng khí hậu, sự hỗ trợ của các nước giàu dành cho nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu rất quan trọng, giúp các mục tiêu toàn cầu không chệch hướng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chủ tịch WB Ajay Banga cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực, sự phục hồi mong manh sau đại dịch và xung đột là những yếu tố khiến thế giới đang phải đối diện "cơn bão hoàn hảo", trong bối cảnh những thách thức đan xen và sự phức tạp về địa chính trị làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Lãnh đạo WB cũng cảnh báo về sự ngờ vực lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Theo ông, sự thất vọng của khu vực Nam bán cầu là điều dễ hiểu. Theo nhiều cách, những nước này đang phải trả giá cho sự thịnh vượng của những nước khác.

Phát biểu của người đứng đầu WB được đưa ra trong bối cảnh các nước nghèo phải hứng chịu hậu quả nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, mà phần lớn nguyên nhân xuất phát từ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các nước phát triển phát thải. Năm 2019, các nước giàu cam kết chi 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đã thống nhất lập một quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế, hỗ trợ của các nước giàu dành cho các nước nghèo chỉ như "muối bỏ bể".

Ðể tăng các khoản tài chính cấp cho các dự án xóa đói nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển, các thể chế tài chính, ngân hàng phát triển đa phương đã đưa ra các kế hoạch nhằm giúp hiện thực hóa các mục tiêu trong lĩnh vực này. Thông qua những thay đổi trong bảng cân đối tài chính và đóng góp của các thành viên, Chủ tịch WB cho biết, ngân hàng này có thể tăng năng lực cho vay, thêm hơn 150 tỷ USD trong thập niên tới. Tuy nhiên, ông Ajay Banga cho rằng điều này vẫn chưa đủ, đồng thời kêu gọi các thành viên tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của WB, một tổ chức cung cấp các khoản vay không lãi suất và lãi suất thấp cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lưu ý rằng, nền kinh tế toàn cầu đang chững lại trong bối cảnh hơn 50% số quốc gia có thu nhập thấp vẫn có nguy cơ cao về nợ nần. Bà nêu rõ, IMF cần được củng cố khẩn cấp bằng cách tăng nguồn lực theo hạn ngạch, là số tiền mà các thành viên đóng góp theo quy mô nền kinh tế của họ. IMF cũng cần tăng khả năng cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các thành viên nghèo nhất.

Báo cáo chung về tài chính khí hậu công bố mới đây cho thấy, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) đã cung cấp nguồn tài chính khí hậu cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình ở mức cao kỷ lục trong năm 2022, với số tiền lên tới 60,7 tỷ USD. Trong đó, 38 tỷ USD (chiếm 63%) dành để hỗ trợ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và 22,7 tỷ USD tài trợ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. So với năm 2019, nguồn tài chính khí hậu mà MDB hỗ trợ cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình tăng 46%. Riêng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cam kết tài trợ 7,1 tỷ USD cho các vấn đề liên quan đến khí hậu.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm của chương trình nghị sự hội nghị COP28 sắp tới tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chủ tịch COP28 kêu gọi các nhà tài trợ tăng gấp đôi nguồn tài chính cho vấn đề thích ứng và bổ sung quỹ khí hậu xanh. Nỗ lực của các thể chế tài chính, ngân hàng đa phương tăng tài trợ khí hậu là điều đáng khích lệ, giúp các nước nghèo có thể giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đóng góp thực hiện mục tiêu chung trong cuộc chiến cam go này.

(Theo nhandan.com.vn)