Cuộc chạy đua tên lửa ở Trung Đông

06:30, 15/11/2023

Ở Trung Đông, các chính phủ không còn sở hữu độc quyền tên lửa tầm xa. Nhiều nhóm vũ trang cũng nắm trong tay số lượng lớn thứ vũ khí đáng gờm này. 

Khói lửa bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống Dải Gaza, ngày 7/11/2023
Khói lửa bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống Dải Gaza, ngày 7/11/2023

Những quả tên lửa đạn đạo phóng từ Yemen về phía Israel vào ngày 31/10 đã lập nhiều kỷ lục. Với quãng đường ít nhất 1.600 km, chúng dường như bay nhất trong mọi tên lửa đạn đạo được phóng đi vì mục đích tấn công. Chúng đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow của Israel đánh chặn trên sa mạc Negev.

Đây là lần đầu tiên Arrow bắn hạ một tên lửa đất đối đất sau 23 năm triển khai. Theo hai quan chức Israel, nó cũng là vụ đánh chặn tên lửa đầu tiên xảy ra trong không gian. Vụ việc này là một ví dụ cho thấy thực trạng các loại tên lửa với tầm bắn và độ chính xác ngày càng tăng được phổ biến rộng rãi đang làm thay đổi cục diện quân sự ở Trung Đông như thế nào.

Tên lửa đã được sử dụng trong chiến tranh ở khu vực này hơn 50 năm. Tên lửa Scud của Liên Xô - con ngựa thồ của thế giới tên lửa - lần đầu khai hỏa vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 chống lại Israel. Iran và Iraq đã phóng lượng lớn tên lửa Scud trong cuộc chiến vào những năm 1980. Theo một ước tính, 90% trong số 5.000 tên lửa được phóng đi trong chiến đấu từ năm 1945 đến năm 2017 là được bắn ở Trung Đông. Bây giờ mối đe dọa này đang nhân rộng theo hai hướng. Nhiều người có thể sở hữu tên lửa hơn. Và chất lượng của tên lửa đang được cải tiến. 

Đối với vấn đề tên lửa xuất hiện ngày càng phổ biến, vào những năm 1950, Ai Cập bắt đầu chế tạo tên lửa đạn đạo với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Đức Quốc xã. Israel làm theo với sự giúp đỡ của Pháp. Từ những năm 1960 đến những năm 1980, tên lửa của Liên Xô đã tràn vào Ai Cập, Iraq, Libya, Syria và các quốc gia khác. Trung Quốc cung cấp tên lửa cho Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Triều Tiên đã giúp đỡ Iran, Yemen và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sau đó, Mỹ, Anh và Pháp lại tiếp tục gửi tên lửa tiên tiến của riêng họ. Theo ông Hassan Elbahtimy chuyên gia tại Đại học King’s College London, kết quả là 11 quốc gia trong khu vực hiện có tên lửa đạn đạo (bay theo hình cung parabol) hoặc tên lửa hành trình (sử dụng động cơ giống máy bay để bay theo quỹ đạo phẳng hơn) với tầm bắn hơn 250 km.

Một điều quan trọng không kém là thực tế là các quốc gia không còn độc quyền về công nghệ nữa. Theo ước tính của Israel, năm 2007, phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza có vài trăm quả tên lửa. Con số này đã tăng lên 10.000 tên lửa vào năm 2014 và sau đó tăng gấp ba lên 30.000 tên lửa vào năm 2021. Kho vũ khí tinh vi hơn của Hezbollah đã tăng từ khoảng 15.000 tên lửa vào năm 2006 - thời điểm lực lượng này bắt đầu giao chiến với Israel - lên khoảng 150.000 tên lửa như hiện nay. Khoảng 400 trong số đó là tên lửa tầm xa có thể vươn tới bất cứ nơi nào ở Israel.

Do đó, các nhóm vũ trang đang đặt ra mối đe dọa quân sự mà chỉ có các quốc gia mới có thể làm được cách đây 20 năm. Ông Bruce Hoffman tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại lập luận: “Mối nguy hiểm của một cuộc chiến tranh hai mặt trận đối với Israel bắt đầu hiện rõ”. Kho dự trữ lớn hơn cho phép các loạt đạn lớn hơn và kéo dài hơn. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên, Iraq đã bắn trung bình khoảng một quả Scud mỗi ngày vào Israel trong hơn một tháng. Hamas, mặc dù được trang rocket nhỏ hơn, đã tăng từ mức 192 lần phóng mỗi ngày trong cuộc chiến năm 2014 lên 470 lần vào ngày đầu tiên xảy ra vụ tấn công vào năm 2021 (không tính đạn cối nhỏ hơn). Chỉ riêng ngày 7/10 Hamas đã bắn ít nhất 2.200 quả rocket. 

Tuy nhiên, những con số không phải là vấn đề chính. Hamas chỉ phóng được số ít đầu đạn vào lãnh thổ của Israel. Điều đó cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Vòm Sắt vẫn đang đánh chặn được khoảng 90% mục tiêu. Theo một sĩ quan cấp cao của IDF, trong số 1.200 người Israel ở thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 7/10 chỉ có 4 nạn nhân liên quun đến các cuộc tấn công bằng tên lửa. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel thuộc đẳng cấp thế giới, song vấn đề là tên lửa đang được cải thiện theo thời gian. 

Trong một bài báo năm 2021, Michael Horowitz, hiện là quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và Lauren Kahn tại Đại học Georgetown đã chỉ ra rằng vào năm 1990, chỉ có 9 quốc gia sở hữu bom dẫn đường chính xác “thông minh” - sử dụng kết hợp dẫn đường quán tính, dẫn đường bằng laser và tín hiệu vệ tinh để tìm mục tiêu. Ngay cả những cường quốc lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các nước NATO cũng thiếu khả năng này. Sau đó, công nghệ này đã lan rộng ra toàn cầu. Năm 2000, đã có 22 quốc gia sở hữu nó và con số này đã tăng lên 56 vào năm 2017.

Trong số đó có Iran. Tên lửa Shahab-1, phiên bản tương tự Scud, mà Iran sử dụng để tấn công các tay súng ở Iraq vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 có sai số khoảng nửa km. Ngày nay, tên lửa Fateh-110 do Iran thiết kế được cho là có sai số dưới 35 mét và có lẽ là 5 mét khi có tín hiệu vệ tinh đáng tin cậy. 

Sau cùng, độ chính xác cao cũng đặt ra thách thức sâu sắc đối với hệ thống phòng thủ tên lửa. Vòm Sắt và các hệ thống phòng thủ khác của Israel hoạt động bằng cách tính toán nơi tên lửa hướng tới và chỉ đánh chặn nếu nó hạ cánh ở nơi quan trọng, như khu dân cư hoặc căn cứ quân sự. Năm 2006, kho vũ khí của Hezbollah hầu như không có công nghệ dẫn đường nên Vòm Sắt có thể bỏ qua an toàn. Nhưng trong thập kỷ qua, Hezbollah đã được nâng cấp tiềm lực đáng kể. 

Điều đó có nghĩa là, trong một cuộc chiến tranh trong tương lai, có tỷ lệ lớn hơn các tên lửa được phóng nhắm về Israel sẽ có cả mục tiêu cụ thể cùng với khả năng bắn trúng mục tiêu cao. Hậu quả là Israel sẽ phải sử dụng nhiều tên lửa đánh chặn hơn. Mỗi tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt có giá khoảng 100.000 USD. Tên lửa của hệ thống David's Sling nhằm chống lại các quả tên lửa lớn hơn còn đắt gấp nhiều lần. Israel có thể phải tập trung bảo vệ các cơ sở chiến lược như trụ sở và căn cứ không quân, thay vì các thành phố.

Có ba cách để Israel đối phó với kịch bản trên. Một là tiết kiệm vũ khí đánh chặn bằng cách tinh chỉnh thuật toán dự đoán nơi tên lửa có khả năng hạ cánh. Một cách khác là sử dụng chiến tranh điện tử để gây nhiễu tín hiệu điều hướng, như Israel đã làm. Thứ ba là tập trung vào các phương tiện đánh chặn rẻ hơn. Israel đã tiến hành một số thử nghiệm hệ thống dựa trên tia laser được gọi là Tia Sắt. Tuy nhiên, việc tích hợp nó vào các khẩu đội phòng thủ tên lửa hiện có sẽ không kịp triển khai trong cuộc chiến này. Ngoài ra, nhược điểm của Tia Sắt là hệ thống máy móc cồng kềnh và bị hạn chế trong điều kiện thời tiết u ám.

Israel cũng có thể kêu gọi đồng minh giúp. Mỹ có radar băng tần X cỡ lớn ở sa mạc Negev của Israel và tàu chiến của nước này đã bắn hạ một tên lửa bay từ Yemen vào ngày 19/10. Một tên lửa trong đợt tấn công đó còn bị đánh chặn bởi Saudi Arabia, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Israel nhưng dùng chung radar qua Mỹ. Tháng 6 năm ngoái, Israel thông báo đã gia nhập Liên minh phòng không Trung Đông (MEAD - chương trình phòng thủ do Mỹ dẫn đầu cùng với các nước Arab. 

Kỹ sư người Israel Yair Ramati, một trong những nhà phát triển ban đầu của hệ thống phòng thủ Arrow, đã đưa ra kết luận rằng: “Trong hơn 30 năm, đã xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang, trong đó kẻ thù của Israel không ngừng xây dựng kho vũ khí của họ còn chúng tôi thì phát triển hệ thống phòng thủ của mình. Cuộc đua đó không có dấu hiệu chậm lại”.

(Theo Baotintuc.vn)