Sau khi bị UAV tấn công, tàu MV Chem Pluto, chở dầu thô, mang theo 20 thủy thủ Ấn Độ và 1 thủy thủ Việt Nam đã được tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ (ICG) hộ tống, đang hướng tới Cảng Mangalore ở phía Nam Ấn Độ.
Tàu MV Chem Pluto đang được tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ (ICG) hộ tống. Ảnh cắt từ clip của INDIAN COAST GUARD |
ICG ngày 24/12 cho biết tàu MV Chem Pluto, chở 20 thủy thủ Ấn Độ và 1 thủy thủ Việt Nam ngày 23/12 đã bị một máy bay không người lái (UAV) tấn công và bốc cháy khi đang trên đường tới Ấn Độ.
Vụ hỏa hoạn đã được dập tắt ngay sau đó mà không có thương vong về thủy thủ đoàn, nhưng theo công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh, một số "thiệt hại về cấu trúc cũng đã được báo cáo và một ít nước đã tràn vào tàu".
Các quan chức địa phương cho biết Hải quân Ấn Độ đã mở cuộc điều tra xem liệu UAV được dùng để thực hiện vụ tấn công trên được phóng từ xa hay từ một tàu gần đó.
Hình ảnh do ICG phát đi cho thấy tàu của ICG đang hộ tống tàu MV Chem Pluto. Dự kiến, tàu MV Chem Pluto sẽ cập cảng trong ngày 25/12.
Trong khi đó, dựa trên dữ liệu theo dõi tàu thuyền, hãng tin Reuters của Anh cho biết con tàu ban đầu hướng tới Cảng Mangalore ở phía Nam Ấn Độ.
Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho hay, tàu MV Chem Pluto mang cờ Liberia, do Nhật Bản sở hữu và do Hà Lan vận hành, đang vận chuyển dầu thô từ Saudi Arabia đến Ấn Độ, đã bị một UAV tấn công ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển Ấn Độ khoảng 200 hải lý.
Vụ tấn công vào tàu MV Chem Pluto xảy ra sau khi lực lượng Houthi ở Yemen tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhằm vào tàu buôn và cả tàu chiến ở Biển Đỏ.
Các quan chức Houthi cho biết họ tấn công các tàu thương mại và quân sự có liên quan tới Israel nhằm mục đích gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza.
Các cuộc tấn công này đã làm gián đoạn thương mại quốc tế thông qua kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 1/6 lưu lượng giao thông toàn cầu.
Các cuộc tấn công của Houthi cũng buộc nhiều chủ hàng phải thay đổi lộ trình và đi theo các tuyến đường dài hơn quanh Biển Đỏ như mũi Hảo Vọng ở phía Nam của châu Phi với thời gian kéo dài thêm 10 - 14 ngày so với đi qua Biển Đỏ.
Mức trần giá cước vận tải đường biển đã tăng vọt do có nhiều tàu chuyển hướng để không phải đi qua Biển Đỏ. Ngoài ra, phí bảo hiểm rủi ro xung đột cũng đã tăng từ 2.000 USD lên 10.000 USD do sự gián đoạn.
Trong khi đó, tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Houthi sẽ ngừng tấn công các tàu thuyền trên Biển Đỏ trong ngắn hạn.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin