Việc Kenya di chuyển thành công 21 con tê giác đen phương Đông đến nơi ở mới được cho là sẽ mang lại không gian sinh sản và có thể giúp tăng "dân số" của loài động vật cực kỳ nguy cấp.
Ảnh minh họa |
Sau nỗ lực di chuyển tê giác đen không thành công vào năm 2018, các nhà bảo tồn tại Kenya mới đây đã thành công di dời 21 con tê giác trở về một cao nguyên đầy cỏ vốn đã vắng bóng loài động vật có vú to lớn này trong trong nhiều thập kỷ.
Đây là đợt di dời tê giác lớn nhất từ trước đến nay ở Kenya. Việc di chuyển thành công 21 con tê giác đen phương Đông đến nơi ở mới được cho là sẽ mang lại không gian sinh sản và có thể giúp tăng "dân số" của loài động vật cực kỳ nguy cấp.
Những con tê giác đen bị bắt vào tháng 1/2023 và được chuyển từ Vườn Quốc gia Nairobi, Khu Bảo tồn Ol Pejeta và Lewa đang trở nên quá đông đúc đến Khu Bảo tồn Tư nhân Loisaba - nơi đàn tê giác bị xóa sổ do nạn săn trộm cách đây nhiều thập kỷ.
Các nhà quản lý của Khu Bảo tồn Loisaba nằm ở miền Trung Kenya cho biết đã dành khoảng 25.000ha cho những con tê giác mới đến, bao gồm cả con đực và con cái.
Theo các nhà bảo tồn, Kenya đã tương đối thành công trong việc khôi phục quần thể tê giác đen, vốn đã giảm từ khoảng 20.000 cá thể vào những năm 1970 xuống dưới 300 cá thể vào giữa những năm 1980 do nạn săn trộm.
Tình hình lúc bấy giờ làm dấy lên lo ngại rằng loài động vật này có thể bị xóa sổ hoàn toàn ở quốc gia Đông Phi này. Kenya hiện có khoảng 1.000 con tê giác đen, quần thể lớn thứ ba sau Nam Phi và Namibia.
Theo tổ chức Save the Rhino, chỉ còn hơn 6.400 con tê giác đen hoang dã trên thế giới, tất cả đều ở châu Phi.
Theo ông Tom Silvester, Giám đốc Điều hành của Khu Bảo tồn Loisaba, Kenya có kế hoạch nâng số lượng tê giác đen lên 2.000 con trong thập kỷ tới.
Chính quyền Kenya cho biết họ đã di dời hơn 150 con tê giác trong thập kỷ qua.
Nỗ lực di chuyển 11 con tê giác vào năm 2018 đã kết thúc trong thảm họa khi tất cả đều chết ngay sau khi di chuyển, chủ yếu do vấn đề thích nghi với môi trường mới.
Kể từ đó, các hướng dẫn mới đã được ban hành cho việc bắt và di chuyển tê giác ở Kenya.
Kenya cũng là quê hương của hai loài tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sót lại trên hành tinh và đóng vai trò quan trọng trong việc cứu loài tê giác trắng phương Bắc khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin