Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang “thắng thế” trong cuộc chiến chống lạm phát khi tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế chủ chốt của khối này như Ðức, Pháp, Tây Ban Nha đều đã giảm đáng kể. Giới phân tích dự đoán, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Nice của Pháp. Ảnh Reuters |
Trong cuộc họp cuối tuần qua, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp, nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau - một thành viên của Hội đồng Quản trị ECB, vừa cho biết định chế tài chính này rất có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào mùa Xuân và thị trường hy vọng rằng động thái này có thể diễn ra vào tháng 6/2024.
Ðộng thái nêu trên của ECB diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đã đạt kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống lạm phát thời kỳ hậu Covid-19. Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau khi đạt đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022 đã giảm dần đều, xuống 2,6% trong tháng 2/2024 và đang hướng tới mục tiêu 2% của ECB.
ECB đang đạt được tiến triển trong việc đối phó với lạm phát. Chủ tịch ECB Christine Lagarde |
Các báo cáo công bố mới nhất cho thấy, lạm phát tại các nền kinh tế lớn của Eurozone tiếp tục giảm trong tháng 2/2024 và là cơ sở để ECB cân nhắc thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Lạm phát vốn tăng phi mã tại Eurozone đã được “ghìm cương” và giảm đáng kể ở tất cả các nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Ðức Destatis cho thấy tăng trưởng giá tiêu dùng giảm mạnh xuống 2,5% tại Ðức và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Tại Pháp, lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai EU này đã giảm từ 3,1% của tháng 1, xuống còn 2,9% trong tháng 2. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, tháng vừa qua tỷ lệ lạm phát giảm còn 2,8%.
Giới phân tích nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát giảm tại các nền kinh tế chủ chốt thuộc “đại gia đình EU” là do gần đây giá năng lượng thấp hơn, giá thực phẩm, sản phẩm sản xuất và dịch vụ giảm tốc. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây ra lạm phát đã chuyển từ chi phí năng lượng, vốn tăng mạnh sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022, sang lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ và tăng trưởng tiền lương. Triển vọng giảm lãi suất của ECB còn được “tiếp sức” bởi tình hình kinh tế của đa số các quốc gia thuộc Lục địa già đã khởi sắc hơn.
Gần đây, các chuyên gia thị trường chứng khoán ít bi quan hơn về kinh tế Eurozone. Kết quả khảo sát do công ty tư vấn Sentix thực hiện đối với 1.267 nhà đầu tư cho thấy chỉ số lòng tin nhà đầu tư đối với Eurozone tăng 2,4 điểm. Ðây là lần thứ 5 liên tiếp chỉ số này tăng và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Trong khi đó, chỉ số triển vọng phục hồi tăng trưởng của kinh tế Eurozone tháng 3 cũng tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 2/2022.
Trong cuộc họp ngày 7/3, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định, ECB đang đạt được tiến triển trong việc đối phó với lạm phát. Dù vậy, bà cho rằng cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% của ECB. Bà Lagarde khẳng định: “Chúng ta sẽ hiểu rõ tình hình hơn vào tháng 6/2024”, qua đó để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng này.
Các chuyên gia nhận định, dù bức tranh kinh tế EU đã sáng dần, nhưng ECB chắc chắn sẽ vẫn thận trọng với quyết định giảm lãi suất bởi hiện vẫn còn khá nhiều yếu tố rủi ro với lạm phát của khu vực. Thời gian qua, mức tăng giá tiêu dùng không giảm nhanh như mong đợi. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Ðông đang làm tăng thêm lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng khiến “bóng ma lạm phát” có thể quay trở lại. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Ðỏ đã đe dọa tuyến vận tải biển quan trọng với toàn cầu này, trong khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas lan rộng có thể ảnh hưởng đến giá dầu...
Những “mối họa” nêu trên không chỉ là mối lo của EU trong cuộc chiến chống lạm phát, mà còn đang trở thành lực cản với sự ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng với tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu. Bởi vậy, việc thành hay bại trong cuộc chiến chống lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế của EU thời gian tới phụ thuộc nhiều vào cách mà các quốc gia, nhất là các nước lớn, phối hợp xử lý những điểm nóng xung đột nêu trên.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin