Hàng trăm vụ cháy lớn đã tàn phá bang đồi núi Uttarakhand của Ấn Độ trong những tháng gần đây. Các chuyên gia cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Ngọn lửa dữ dội trong một vụ cháy rừng gần làng Saterakhal, ở quận Rudraprayag, bang Uttarakhand |
Tối ngày 27/4, cô Madhavi Daruwala bỗng cảm thấy nghẹt thở khi không khí xung quanh nơi cô sinh sống ở thị trấn Nainital, miền bắc Ấn Độ, mù mịt vì khói.
“Khói dày đến mức mắt của chúng tôi cay xè. Con gái tôi bị hen suyễn, phải dùng ống hít để có thể thở bình thường”, cô Daruwala nói với Al Jazeera.
Là cư dân lâu năm của thị trấn nằm ở dãy Himalaya đẹp như tranh vẽ, điểm đến du lịch nổi tiếng ở tiểu bang Uttarakhand, cô Daruwala biết chắc điều gì đã xảy ra: những khu rừng và thảm thực vật gần đó đã bốc cháy.
Ít nhất 1.313 đám cháy lớn đã tàn phá những ngọn đồi của Uttarakhand kể từ tháng 11/2023 – một trong những vụ cháy lớn nhất cả nước. Giới chức ước tính các đám cháy đã gây thiệt hại cho gần 1.100 hecta đất rừng của tiểu bang, gấp khoảng 3 lần diện tích Công viên Trung tâm New York.
Cư dân Nainital cho biết tần suất và cường độ của các đám cháy ngày càng nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Các đám cháy cũng lan đến gần các khu định cư của con người hơn.
Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, cô Daruwala thấy một hàng cây bốc cháy, lan gần đến khu chung cư nơi cô sinh sống
“Đám cháy đã lan rất gần nơi ở của chúng tôi đến nỗi bể chứa nước của một trong những tòa nhà đã bốc cháy”, cô nói.
Những cư dân hoảng loạn trong khu vực đã nhanh chóng dập tắt đám cháy, trong khi sở lâm nghiệp cử người đến giúp họ.
“Chúng tôi may mắn có thể ngăn chặn ngọn lửa lan tới. Nhưng điều đó không hề dễ dàng, không phải chỉ đổ một xô nước vào một cái cây đang bốc cháy. Đây là những cây thông tiết ra nhựa rất dễ bắt lửa. Chúng tôi phải dùng xẻng lấp đất vào đám cháy để dập lửa, và hy vọng rằng gió sẽ không thổi bùng lửa lan ra theo hướng khác”, cô Daruwala nói.
• Nắng nóng là nguyên nhân?
Khu vực này đã chứng kiến lượng mưa mùa đông giảm trong những năm gần đây. Điều đó khiến thảm thực vật trở nên khô cằn.
Ông Raghu Murtugudde, nhà khoa học khí hậu và Giáo sư tại Viện Công nghệ Bombay của Ấn Độ, nói: “Sau đó là hiện tượng El Nino - nhiệt độ đại dương ấm bất thường ảnh hưởng đến khí hậu - làm tăng thêm tình trạng khô hạn và nóng bức”.
Tất cả những yếu tố này đã góp phần thúc đẩy các đám cháy bùng phát.
Các chuyên gia cho rằng nắng nóng đã góp phần làm gia tăng các vụ cháy trên khắp Ấn Độ. Năm 2023, Ấn Độ đã trải qua một số đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận kể từ năm 1901, nhiệt độ ở một số vùng của đất nước lên tới 45 độ C. Năm nay, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã tuyên bố nước này sẽ ghi nhận nhiều đợt nắng nóng hơn, trong đó thủ đô New Delhi ghi nhận nhiệt độ cao tới 52,9 độ C vào tháng 5, khiến ít nhất 100 người tử vong.
Ông Murtugudde giải thích độ ẩm đất giảm cũng tạo ra sự thâm hụt áp suất hơi nước. Theo ông, không khí không bão hòa hút hết độ ẩm từ thực vật, khiến thảm thực vật khô cằn hơn. Trong điều kiện này, ngay cả một đầu lọc thuốc lá vứt bừa bãi cũng có thể gây ra một vụ cháy rừng lớn.
Theo Cục Khảo sát Rừng Ấn Độ (FSI), gần 10,66% diện tích rừng của đất nước nằm trong “khu vực cực kỳ dễ cháy đến có nguy cơ cháy rất cao”.
Ông Mohan Chandra Pargaien, quan chức lâm nghiệp ở tiểu bang Telangana phía nam Ấn Độ, nơi thường xuyên xảy ra cháy rừng, cho biết: “Trong trường hợp của Ấn Độ, hầu hết các vụ cháy rừng đều do con người gây ra”.
Theo ông Pargaien, người dân địa phương và những người chăn nuôi trên khắp Ấn Độ thường đốt rơm rạ sau khi thu hoạch ngũ cốc, cũng như cỏ khô. Ở Uttarakhand, họ cũng thường đốt lá thông rụng để nhường chỗ cho thảm thực vật tươi tốt làm đồng cỏ cho gia súc.
Ông Pargaien sống tại Nainital và đã quen chứng kiến các vụ cháy rừng. Ông nói: “Chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự ở Deccan, khu vực phía nam Ấn Độ. Tại đây, vào mùa hè, người dân thường đốt rơm rạ với hy vọng có nhiều đồng cỏ tươi tốt hơn cho gia súc”.
Vị quan chức lâm nghiệp này cũng cho biết nhiệt độ tăng cao đã làm tăng thêm những thách thức mà các quan chức phải đối mặt trong việc kiểm soát cháy rừng.
Theo cô Daruwala, cư dân Nainital, tiểu bang này hầu như không có mưa trong mùa qua, gây ra tình trạng thiếu nước. Mưa cũng đóng vai trò như bình chữa cháy.
“Mưa đóng vai trò lớn vào năm ngoái trong việc giúp dập tắt các đám cháy. Nhưng năm nay, lượng mưa ít hơn. Khí hậu khô hơn. Rừng không phải lúc nào cũng khô hạn như hiện nay”, cônói.
Các hoạt động của con người, cùng nhiệt độ và kiểu khí hậu ngày càng tồi tệ hơn cũng góp phần tạo ra các đám cháy nguy hiểm hơn.
“Với Uttarakhand, đây là địa hình đồi núi, với gió cường độ cao thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, nơi này trồng rất nhiều thông, loại cây rất dễ cháy. Những yếu tố này góp phần khiến đám cháy lan nhanh hơn và cũng khiến việc kiểm soát cháy trở nên khó khăn”, cô nói.
• Biện pháp ngăn cháy rừng
Nhà khoa học khí hậu Murtugudde cho biết cần phải có kế hoạch dài hạn. Ông cho biết các dự đoán về biến đổi khí hậu hiện tại là không đủ để giúp các quốc gia, như Ấn Độ chuẩn bị cho những thảm họa như vậy.
Theo dự báo năm 2100 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhiệt độ sẽ tăng từ 1,2 đến 4,1 độ C vào cuối thế kỷ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra cuộc chiến ở Gaza và Ukraine cũng dẫn đến sự gia tăng phát thải khí nhà kính – ngành công nghiệp vũ khí, vốn đang hoạt động quá mức, là tác nhân gây ô nhiễm chính.
“Điều tốt nhất mà các quốc gia như Ấn Độ có thể làm là tập trung vào việc phát triển các dự báo ngắn hạn cho 10 đến 15 năm tới, có tính đến dữ liệu địa phương. Mọi người đều biết rằng mùa hè sẽ khô và nóng hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong thập kỷ tới. Những dự báo này sẽ giúp hướng dẫn công tác quản lý bảo vệ rừng trong các nỗ lực phòng chống cháy rừng”, ông Murtugudde cho hay.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin