Chính sách của EU đối với cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được quyết định không phải bởi sự phân bổ lực lượng trong Nghị viện châu Âu mà là lập trường của các quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan và tất nhiên là cả Mỹ.
Cơ cấu mới của Nghị viện châu Âu sẽ không thay đổi chính sách của EU đối với Ukraine |
Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 10/6 dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, kết quả cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu (EP) cho thấy đa số sẽ là những người "ủng hộ hội nhập châu Âu và thân Ukraine".
Ông Peskov nhận xét khi được hỏi về kết quả của cuộc bầu cử EP và chiến thắng của Đảng Nhân dân châu Âu, trong đó người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen là thành viên.
Cùng ngày, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, EP đã giữ lại “cơ sở tư tưởng” để hỗ trợ thêm cho đường lối chính trị của EU dựa trên quan điểm "bài Nga".
Bà Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi buộc phải thừa nhận rằng các cuộc bầu cử ở châu Âu được tổ chức trong những điều kiện bị hạn chế nghiêm ngặt, không có sự cạnh tranh công bằng, với việc loại bỏ luồng thông tin khỏi các nguồn thông tin thay thế và một chiến dịch chống Nga không kiểm soát”.
Bà Zakharova giải thích rằng "các lực lượng chính trị phản đối cuộc đối đầu với Nga, vốn gây tổn hại cho chính EU, đã bị phân biệt đối xử và thường bị áp lực và quấy rối trực tiếp". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, “lập trường đối đầu của EP đối với Moskva đã xuống cấp đến mức độ thù địch chưa từng có”.
Cuộc bầu cử EP 2024-2029 được tổ chức ở tất cả các nước EU từ ngày 6 - 9/6. Việc bỏ phiếu được tiến hành theo luật pháp quốc gia của mỗi quốc gia: Hà Lan bỏ phiếu vào ngày 6/6; Ireland và CH Séc vào ngày 7/6; Italy, Latvia, Malta, Slovakia vào ngày 8/6 và hầu hết các quốc gia còn lại vào ngày 9/6.
Theo kết quả ban đầu của cuộc bầu cử, các đảng cánh hữu và cực hữu, đặc biệt là những đảng phản đối chính sách đối nội và đối ngoại hiện tại của Brussels, đã giành được chiến thắng lớn. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cũng đã đạt được những thành tựu lớn ở Áo, Đức và Hà Lan. Tuy nhiên, các chuyên gia được tờ Izvestia (Nga) thăm dò ý kiến cho biết, việc tăng đại diện của các lực lượng này khó có thể ảnh hưởng đến lập trường của EU đối với Ukraine.
Thierry Mariani, thành viên người Pháp của Nghị viện châu Âu (MEP), nói với Izvestia: Chiến thắng của các đảng muốn thay đổi châu Âu sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong EP.
Theo ông Mariani, việc phân chia các đảng này theo phe phái là không quan trọng, mà điều chính là bây giờ họ có thể bỏ phiếu cùng nhau về các vấn đề quan trọng. Theo quan điểm của ông Mariani, giờ đây EP sẽ tái cân bằng và hướng tới lợi ích của người dân hơn là thúc đẩy các chương trình nghị sự của các quan chức muốn tăng cường liên kết với Mỹ trong khi gạt bỏ lợi ích của người châu Âu.
Tuy nhiên, nghị sĩ Đức Gunnar Beck nghi ngờ rằng cơ cấu mới của Nghị viện châu Âu sẽ thay đổi chính sách của EU đối với Ukraine. Theo ông, cán cân quyền lực sẽ nghiêng đi phần nào nhưng không đáng kể.
Alexey Chikhachev, nhà nghiên cứu tại Phòng thực nghiệm Phân tích Xu hướng Quốc tế (LITRA) của Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), đồng tình rằng sự gia tăng cực hữu trong EP sẽ không dẫn đến bất kỳ hậu quả căn bản nào.
Ông Chikhachev nói: “Các đảng chính thống, chẳng hạn như Đảng Nhân dân châu Âu, những người ôn hòa, những người thuộc nhóm Dân chủ và Xã hội và Đảng Xanh sẽ cùng nhau chiếm đa số để ngăn chặn các chính trị gia cực hữu đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong EU”.
Chuyên gia Chikhachev kết luận, các chính trị gia cực hữu có thể tham gia vào nhiều ủy ban khác nhau của EP nhưng các lực lượng chính thống sẽ vẫn nắm giữ quyền lực của họ vào lúc này. Trong mọi trường hợp, chính sách của EU đối với cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được quyết định không phải bởi sự phân bổ lực lượng trong Nghị viện châu Âu mà là lập trường của các quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan và tất nhiên là cả Mỹ.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin