Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo đặc biệt có tư duy lý luận sâu sắc về CNXH

00:01, 25/07/2024

Trong ấn tượng của Giáo sư, Tiến sỹ người Đức Günter Giesenfeld, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là 1 chính trị gia đặc biệt, nhà lý luận sâu sắc, thâm trầm hiếm có trong chính trường thế giới ngày nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là một chính trị gia đặc biệt và hiếm có. Đối với tôi, ông là một nhà lý luận sâu sắc, thâm trầm - một điều rất hiếm thấy trên chính trường thế giới hiện nay”.

Đó là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sỹ người Đức Günter Giesenfeld với phóng viên TTXVN tại Đức.

Giáo sư, Tiến sỹ Günter Giesenfeld là Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam, người đã cùng vợ dịch sang tiếng Đức toàn văn bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đó giúp bạn đọc Đức tiếp cận và hiểu rõ hơn về chủ nghĩa xã hội cũng như con đường mà Việt Nam đã lựa chọn.

Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Giesenfeld, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí và công chúng Đức nhắc đến nhiều lần với công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ thực chất và hiệu quả.

Trong ấn tượng của học giả người Đức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chính trị gia đặc biệt, nhà lý luận sâu sắc, thâm trầm hiếm có trong chính trường thế giới ngày nay.

Giáo sư, Tiến sỹ Giesenfeld chia sẻ: “Đối với tôi, ông Nguyễn Phú Trọng là một nhà xã hội chủ nghĩa, người sẵn sàng và có khả năng thấu hiểu chủ nghĩa xã hội và vận dụng khái niệm rất trừu tượng và lý tưởng này một cách chính xác. Khi đọc bài viết 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ của ông, chúng tôi rất ngạc nhiên và quan tâm khi Tổng Bí thư một Đảng Cộng sản mạnh dạn đặt câu hỏi 'Chủ nghĩa xã hội là gì?'".

Với suy nghĩ này, ông và vợ đã lập tức dịch bài viết này sang tiếng Đức để đăng trên tạp chí Viet Nam Kurier của Hội hữu nghị với Việt Nam.

Bản dịch cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức trân trọng đăng lên trang web của Đại sứ quán.

Giáo sư, Tiến sỹ Giesenfeld cho biết khi đó đã mong được gặp mặt và thảo luận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội khi nền kinh tế Việt Nam ngày nay đã đạt nhiều thành tựu to lớn và Việt Nam đã trở thành một đối tác đáng tin cậy ngay cả đối với các cường quốc lớn trên thế giới.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Đức, Giáo sư, Tiến sỹ Michael Brie, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khoa học của Quỹ Rosa Luxemburg (RLS - Đức) cũng chia sẻ nỗi bàng hoàng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông gọi đây là mất mát lớn của nhân dân Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sỹ Brie cho biết bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút được sự chú ý vì Việt Nam đã khắc phục được những hạn chế cơ bản - vốn đặc trưng cho làn sóng chủ nghĩa xã hội thứ hai được hình thành từ kinh nghiệm của Liên Xô cũ.

Đối với ông Philip Degenhardt, Giám đốc Trung tâm Đối thoại và Hợp tác quốc tế của RLS, và từng đứng đầu văn phòng Đông Nam Á của RLS tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết đến là một người đấu tranh chống tham nhũng vô cùng mạnh mẽ, bởi lẽ đây là một thách thức lớn đối với đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường hướng tới xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa kiểu mới, một đất nước xã hội chủ nghĩa của thế kỷ thứ 21.

Ông Degenhardt cũng rất quan tâm đến những nghiên cứu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gọi đó là “ngôi sao dẫn đường,” là tiền đề cho các nhà nghiên cứu trong những năm qua và cả trong thập niên tới vẫn sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cá nhân ông Degenhardt và một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã dựa vào bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để viết khoảng 10 bài liên quan đến chủ đề này.

Ông bày tỏ tin tưởng những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn mãi và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

(Theo Vietnamplus.vn)