Trong bối cảnh giới đầu tư đang “cân đo” tác động của việc OPEC+ tăng sản lượng từ tháng 10, sản lượng ở Libya sụt giảm mạnh, nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc yếu, giá dầu đã nối dài đà giảm.
Giếng dầu ở Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 1/1/2024 |
Giá dầu nối dài đà giảm tại châu Á trong phiên sáng 2/9, khi giới đầu tư đang “cân đo” tác động của việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng từ tháng 10, trong bối cảnh sản lượng ở Libya sụt giảm mạnh và nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc yếu.
Vào lúc 8 giờ 8 phút sáng 2/9 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 57 xu Mỹ, hay 0,7%, xuống còn 76,36 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 50 xu Mỹ, hay 0,7%, xuống còn 73,05 USD/thùng. Giá hai loại dầu này đã giảm lần lượt 0,3% và 1,7% trong tuần trước.
Các nguồn thạo tin cho hay OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng dầu theo kế hoạch từ tháng 10. Tám thành viên của OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10.
Trong khi đó, ở Libya, Công ty Dầu mỏ Vịnh Arab đã tăng sản lượng trở lại lên tới 120.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi hoạt động xuất khẩu vẫn bị đình chỉ, sau khi tình hình xung đột đã khiến hầu hết các mỏ dầu của nước này phải đóng cửa.
Cả dầu Brent và WTI đều giảm giá trong hai tháng liên tiếp vừa qua do những lo ngại về thể trạng của các nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đã lấn át ảnh hưởng từ tình hình gián đoạn nguồn cung ở Libya và những căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Số liệu được công bố mới đây cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất sáu tháng qua trong tháng 8, trong khi giá sản xuất giảm và số lượng đơn hàng ít.
Chuyên gia phân tích thị trường của công ty phân tích thị trường IG Tony Sycamore cho biết, Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) yếu hơn dự đoán của Trung Quốc đã làm gia tăng những lo ngại rằng nền kinh tế nước này sẽ không đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Còn tại Mỹ, dữ liệu từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ mới đây cho biết, lượng dầu tiêu thụ trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết: "Chúng tôi nhận thấy khả năng giảm tốc tăng trưởng vào năm 2025, do các trở ngại kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ.”
Vì vậy, các chuyên gia này tin rằng OPEC sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn việc nâng sản lượng nếu muốn giá dầu tăng lên.
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin