Cựu Chủ tịch ECB: Phát thành nợ chung trong EU là 'không thiết yếu'

06:29, 01/10/2024

Ngày 30/9, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã bày tỏ quan điểm rằng việc phát hành nợ chung thường xuyên của Liên minh châu Âu (EU), theo mô hình quỹ phục hồi sau đại dịch trị giá 806,9 tỷ euro, không phải là yếu tố "thiết yếu" để duy trì khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 9/9/2024
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 9/9/2024

Phát biểu tại một sự kiện do viện nghiên cứu chính sách EU Bruegel tổ chức, ông Draghi cho biết ông cảm thấy thất vọng khi phần lớn cuộc thảo luận xung quanh báo cáo gần đây của ông về kinh tế EU tập trung vào đề xuất về một chương trình kế nhiệm cho chương trình NextGenerationEU (NextGenEU). Bình luận này của ông Draghi dường như nhằm xoa dịu lo ngại của các quốc gia thành viên theo chủ nghĩa thắt lưng buộc bụng.

Báo cáo của ông Draghi, công bố đầu tháng này, đã kêu gọi "phát hành thường xuyên và quy mô lớn tài sản an toàn và thanh khoản chung của EU để tạo điều kiện cho các dự án đầu tư chung" trên toàn EU và "giúp tích hợp thị trường vốn". Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng việc phát hành thêm nợ chung chỉ có thể xảy ra "nếu các điều kiện chính trị và thể chế đã sẵn sàng".

NextGenEU đánh dấu lần đầu tiên 27 quốc gia thành viên EU đồng ý phát hành nợ chung để tài trợ cho một cơ sở đầu tư toàn EU.

Đề xuất trong báo cáo của ông Draghi nhanh chóng bị Hà Lan và Đức, hai quốc gia thành viên truyền thống "tiết kiệm", bác bỏ. Ngược lại, đề xuất nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tây Ban Nha - một trong những nước nhận được nhiều nhất từ quỹ NextGenEU - cũng như từ Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của các công cụ như vậy để tài trợ cho các khoản đầu tư chung quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Draghi cũng nhấn mạnh rằng ước tính của báo cáo về mức đầu tư bổ sung tối thiểu lên tới 750-800 tỷ euro mỗi năm cho các lĩnh vực xanh, kỹ thuật số và quốc phòng có thể là một con số "tương đối bảo thủ". Ông lưu ý rằng con số này - tương đương khoảng 5% GDP hàng năm của EU - không bao gồm bất kỳ khoản tài trợ bổ sung nào cho giáo dục hoặc thích ứng và bảo vệ khí hậu.

Cựu Chủ tịch ECB cũng bảo vệ lời kêu gọi trợ cấp để giữ chân các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng ở châu Âu. Ông lưu ý rằng các lĩnh vực như thép, nhôm và hóa chất sản xuất ra những hàng hóa được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế và trong các sản phẩm tiêu dùng cũng như quốc phòng.

(Theo Baotintuc.vn)