Giai đoạn quyết định đến vị thế đàm phán trong xung đột Nga - Ukraine

06:29, 13/11/2024

Giai đoạn Đông - Xuân sắp tới dự kiến sẽ là thời điểm quan trọng, có thể định hình tương lai cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như vị thế đàm phán của hai bên, trong bối cảnh có sự thay đổi nhân sự cấp cao trong chính quyền Mỹ.

Quân nhân Ukraine trú dưới một con hào trong trận pháo kích gần thành phố Bakhmut, Ukraine ngày 8/3/2023
Quân nhân Ukraine trú dưới một con hào trong trận pháo kích gần thành phố Bakhmut, Ukraine ngày 8/3/2023

Những tháng mùa Đông - Xuân sắp tới được dự báo sẽ là giai đoạn then chốt định hình vị thế của các bên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt khi các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra trong tương lai.

Hãng tin Reuters ngày 11/11 dẫn lời một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết, 4 đến 5 tháng tới sẽ là thời điểm quyết định cho lập trường đàm phán của cả hai bên. Đặc biệt, sự trở lại Nhà Trắng sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khiến Kiev phải tính toán lại chiến lược kết thúc xung đột.

"Mùa Đông năm nay là thời điểm quan trọng. Ngay bây giờ chúng tôi sẽ xác định vị thế của cả hai bên trong các cuộc đàm phán", vị quan chức này nhấn mạnh.

Giới chức Ukraine cũng đang theo dõi sát sao việc ông Trump bổ nhiệm ai vào các vị trí then chốt về an ninh và quốc phòng. Đáng chú ý, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người được Kiev đánh giá là thân thiện với Ukraine, sẽ không có mặt trong chính quyền mới ở Mỹ.

Một điểm đáng lo ngại với Ukraine là khả năng gia nhập NATO có thể sẽ khó khăn hơn khi ông Trump đắc cử. Bên cạnh đó là nguy cơ viện trợ quân sự bị cắt giảm. "Tôi hy vọng chính quyền Biden sẽ cố gắng tránh rủi ro đó bằng cách đẩy nhanh tốc độ viện trợ", một quan chức Ukraine khác chia sẻ.

Tuy nhiên, Kiev cũng không hài lòng với chính quyền Biden. Theo một nguồn tin ngoại giao cấp cao tại Kiev, tâm trạng ở Ukraine "khá ảm đạm" và "sự thất vọng ngày càng tăng" có thể thấy rõ qua các phát biểu gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Về phía Nga, theo tờ Izvestia ngày 12/11, phái viên Nga Alexander Lukashevich tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ trích NATO đã và đang phá hoại hệ thống an ninh châu Âu thông qua việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự và cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Lukashevich nhấn mạnh: "Hoặc là an ninh cho tất cả mọi người, hoặc không có an ninh cho bất kỳ ai".

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị người Pháp Nikola Mirkovic cảnh báo về sự hiện diện của "những người diều hâu trong phe NATO" có thể gây trở ngại cho đàm phán giữa Moskva và Washington. Ông Mirkovic cho rằng họ đang tận dụng những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ của Tổng thống Biden để kéo dài xung đột, đồng thời tạo khó khăn cho chính sách đối ngoại của ông Trump khi trở lại Nhà Trắng.

(Theo Baotintuc.vn)