Chính phủ Đan Mạch đã công bố kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng cho Greenland, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhắc lại mong muốn mua lãnh thổ Bắc Cực này.
Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024 |
Trong một phát biểu với tờ Jyllands-Posten vào ngày 24/12, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết Copenhagen dự định chi “hàng chục tỷ” krone, tương đương ít nhất 1,5 tỷ USD (1,2 tỷ bảng Anh) cho gói quốc phòng mới này.
“Trong nhiều năm, chúng ta đã không đầu tư đủ vào Bắc Cực, giờ đây chúng ta đang lên kế hoạch cho sự hiện diện mạnh mẽ hơn,” ông Poulsen nói.
Ông Poulsen giải thích rằng gói chi tiêu này đã được lên kế hoạch từ trước và nó trùng hợp ngẫu nhiên với lời kêu gọi kiểm soát Greenland của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch cũng nói rằng nước này sẵn sàng “hợp tác với Mỹ” để đảm bảo an ninh cho Greenland.
Theo tờ Jyllands-Posten, gói chi tiêu quốc phòng mới bao gồm hai tàu tuần tra lớp Thetis, hai thiết bị bay không người lái tầm xa, hai đội chó kéo xe trượt tuyết và tăng cường thêm nhân sự quân đội Đan Mạch tại Greenland.
Trước đó trong một bài đăng trên Truth Social hôm 22/12, ông Trump cho rằng việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là một “nhu cầu tuyệt đối” vì lý do an ninh quốc gia.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, vào năm 2019, ông Trump cũng từng đề xuất mua Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, đã dẫn đến phản ứng gay gắt tương tự từ các nhà lãnh đạo nơi đây.
Khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen mô tả ý tưởng này là "phi lý", khiến ông Trump hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia này.
Đối với lần này, lãnh đạo Greenland, Múte Egede, đã phản đối mạnh mẽ Trump trong một bài đăng trên Facebook hôm 23/12.
“Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán. Chúng tôi không được đánh mất cuộc đấu tranh lâu dài vì tự do”, ông Egede viết, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác và thương mại.
Greenland là một khu vực tự trị nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đan Mạch, nước chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại.
Bắc Cực là một lĩnh vực quan trọng về an ninh quốc gia khi Mỹ đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên bang Nga và Trung Quốc trong khu vực, nơi đang mở ra nhiều cơ hội hơn khi biến đổi khí hậu làm tan băng và tạo ra các tuyến đường mới.
Mỹ cũng đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh Bắc Cực như Canada và Phần Lan để đóng thêm các tàu tuần tra có thể hoạt động trong khu vực, và tuần này Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã thông báo phê duyệt việc xây dựng tàu phá băng hạng nặng đầu tiên trong hơn năm thập kỷ.
Đan Mạch cũng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đối tác của Mỹ tại khu vực Bắc Cực.
Ông Trump, dự kiến nhậm chức vào ngày 20/1/2025, đã vận động tranh cử với cam kết khôi phục hòa bình và an ninh thế giới, hứa chấm dứt các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông.
Ngoài Greenland, ông Trump cũng cho rằng Mỹ nên kiểm soát kênh đào Panama, nơi đã thuộc quyền sở hữu và điều hành của Panama từ năm 1999.
Mỹ đã giúp xây dựng kênh đào này và vận hành tuyến đường thủy quan trọng đối với vận tải toàn cầu trong phần lớn thế kỷ 20.
Ông Trump cũng từng đùa rằng nên biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ.
(Theo Baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin