Trong 11 lần tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) trước đây, Thể thao Việt Nam đã giành được tổng cộng 181 huy chương (HC) trong đó có 11 HC vàng. Liệu với lần thứ 12 tham dự tại ASIAD Hàng Châu 2023, Thể thao Việt Nam có tiếp tục giành thêm HC vàng?
Các VĐV chèo thuyền giành HC Đồng về cho đoàn Thể thao Việt Nam |
• ĐÔNG Á ÁP ĐẢO
Nếu nhìn vào bảng tổng sắp HC qua các kỳ Đại hội Thể thao châu Á - (ASIAD hay Asian Games) có thể thấy sự áp đảo của thể thao 2 quốc gia Đông Á, đó là Nhật Bản trước đây và Trung Quốc hiện nay.
Đại hội Thể thao châu Á bắt đầu được tổ chức từ năm 1951, lần đầu tiên này do Ấn Độ đăng cai, diễn ra tại New Delhi. Nhưng thực ra giải thể thao mùa hè lớn nhất châu Á này và cũng là giải thể thao có số môn thi đấu lớn thứ nhì thế giới hiện nay, chỉ sau Thế vận hội Olympic, trong lịch sử đã từng có mặt từ năm 1913 khi 3 nước Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc và Philippines cùng tổ chức một giải đấu thể thao với tên gọi là Giải vô địch các quốc gia Viễn Đông. Giải đấu này có thể coi là tiền thân của ASIAD hiện nay.
Ngay tại lần đầu tiên tranh tài ở ASIAD - New Delhi trong năm 1951, Nhật Bản - một quốc gia ở Đông Á đã dẫn đầu số HC vàng giành được. Thời điểm đó, ASIAD mới chỉ có 11 quốc gia tham dự với 489 vận động viên (VĐV) tranh tài, thi đấu ở 6 môn trong 57 nội dung.
Với chu kỳ 4 năm tổ chức 1 lần, ASIAD sau đó mở rộng thêm số thành viên tham gia, số môn thi đấu cùng số nội dung thi đấu dần tăng lên, số lượng VĐV tranh tài cũng tăng lên nhanh. Nhưng dù tổ chức tại quốc gia nào, dù do Nhật Bản đăng cai hay quốc gia khác như Phillipines, Indonesia, Thái Lan, Iran đăng cai thì Nhật Bản vẫn luôn dẫn đầu bảng xếp hạng toàn đoàn nhờ số HC vàng giành được đạt cao.
Cũng cần biết rằng, bảng xếp hạng toàn đoàn của Đại hội Thể thao châu Á này theo thông lệ quốc tế, chỉ tính theo số HC vàng các đoàn giành được, bất kể tổng số HC đạt được bao nhiêu. Sau khi tính HC vàng rồi mới tính đến số HC bạc và cuối cùng là HC đồng. Chính vì vậy, những tấm HC vàng giành được tại Đại hội luôn rất giá trị.
Nhưng rồi vị trí dẫn đầu châu lục của thể thao Nhật Bản bắt đầu bị đe dọa với sự xuất hiện của đoàn thể thao Trung Quốc - một quốc gia khác cũng tại Đông Á. Trung Quốc bắt đầu cử đoàn thể thao tranh tài từ năm 1974 tại ASIAD Tehran - Iran, sau đó là Bangkok - Thái Lan năm 1978. Cả 2 kỳ Đại hội này, Nhật Bản vẫn dẫn đầu số HC vàng giành được. Tuy nhiên, đến ASIAD năm 1982 tại New Delhi, Trung Quốc lần đầu vượt qua Nhật Bản, vươn lên giành nhất toàn đoàn Đại hội. Từ đó cho đến nay, cho đến trước thời điểm ASIAD Hàng Châu 2023 này, họ chưa lần nào để mất vị trí dẫn đầu toàn đoàn dù họ là chủ nhà hay là đội khách thi đấu tại rất nhiều nước đăng cai.
Tính từ thời điểm 1951 đến nay, số môn thi đấu tại ASIAD đã tăng lên rất nhiều, trên 40 môn; số nội dung thi đấu từ con số 57 trong lần đầu tiên, nay tăng lên đến 482 tại ASIAD 2023 lần này; số VĐV cũng từ 500 lúc đầu, nay tăng lên đến trên 11 nghìn người. Việc đăng cai ASIAD hiện nay yêu cầu hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng giao thông phục vụ phải có sự đầu tư, chuẩn bị rất lâu trước đó của các nước chủ nhà đăng cai.
Cho đến trước ASIAD Hàng Châu 2023, thể thao Trung Quốc dù chỉ với 12 lần tham gia đã giành được đến 1.474 HC vàng tại Đại hội. Nhật Bản với 18 lần tham gia tính từ những ngày đầu nhưng chỉ đứng nhì trong bảng tổng sắp với 1.032 HC vàng. Xếp thứ ba trong bảng tổng sắp HC vàng là Hàn Quốc- một quốc gia cũng trong vùng Đông Á, với 17 lần tham gia, giành được 745 HC vàng. Cả 3 quốc gia Đông Á này hiện đang duy trì một khoảng cách rất lớn về số HC vàng giành được tại Đại hội so với các quốc gia còn lại tại châu Á.
Chẳng hạn như Iran, quốc gia xếp thứ tư trong bảng tổng sắp HC vàng với 15 lần tham dự cũng chỉ giành được 179 HC vàng. Ấn Độ - một quốc gia đông dân không kém so với Trung Quốc dù đến nay đã cử đoàn tham dự tất cả các kỳ ASIAD với 18 lần nhưng chỉ giành được 155 HC vàng.
Trong khu vực Đông Nam Á, quốc gia có thành tích dẫn đầu hiện nay là Thái Lan, họ giành được 132 HC vàng sau 16 lần tham gia Đại hội. Riêng thể thao Việt Nam, cho đến nay đã cử đoàn thi đấu tại 11 kỳ Đại hội, giành được 18 HC vàng.
• TRÔNG CHỜ VÀO BỘ MÔN NÀO?
Đây là lần thứ 19 châu Á tổ chức ASIAD, do Trung Quốc đăng cai. Đúng ra, theo chu kỳ 4 năm, ASIAD 19 phải diễn ra trong năm 2022, theo lịch dự kiến là từ ngày 10 đến 25/9/2022 tại thành phố Hàng Châu - Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong tháng 5/2022, Ban tổ chức Đại hội Thể thao châu Á 2022 đã quyết định lùi lịch tổ chức ASIAD sang năm 2023.
Ngày 23/9, ASIAD 19 năm 2023 (hay gọi là ASIAD 2022) đã chính thức khai mạc tại Hàng Châu - Trung Quốc và kéo dài đến 8/10/2023. Hàng Châu là thành phố thứ ba của Trung Quốc đăng cai ASIAD, sau Bắc Kinh năm 1990 và Quảng Châu năm 2010.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu năm nay có 504 thành viên, trong đó có 337 VĐV, 90 HLV, 11 chuyên gia, thi đấu 31/40 môn thể thao, 202/483 nội dung của Đại hội. Các môn thi đấu bao gồm cờ tướng, cầu mây, bắn súng, karate, xe đạp, cử tạ, bắn cung, bơi, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bóng bàn, cờ vua, quần vợt, thể dục dụng cụ, roller, boxing, taekwondo, vật, wushu, judo, kurash, jujitsu, đấu kiếm, bóng chuyền, bóng đá, golf, cầu lông, bóng mềm (soft tennis), thể thao điện tử - esports và nhảy breaking. Mục tiêu của đoàn đặt ra cho lần tham dự này là đạt từ 2 - 5 HC vàng, đồng thời, phấn đấu có nhiều VĐV vượt qua vòng loại Olympic 2024.
Lần dự ASIAD 18 trong năm 2018 ở Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam với 352 VĐV tranh tài đã khá thành công khi giành được 4 HC vàng, 15 HC bạc, 19 HC đồng, xếp hạng 16 trong 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, việc giành HC vàng tại ASIAD 19 này được đánh giá là khó hơn nhiều vì sự cạnh tranh rất mạnh của các VĐV các quốc gia có khả năng giành HC trong các môn có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có các VĐV của chủ nhà Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho ASIAD 19, đội tuyển các bộ môn của thể thao Việt Nam đã được tập huấn kỹ và được phân nhóm; trong đó, nhóm các môn có khả năng tranh chấp HC vàng, nhóm có môn khả năng tranh chấp HC bạc và nhóm có môn có khả năng tranh HC đồng. Tuy nhiên, cũng có những môn thuộc nhóm khó tranh được HC nhưng vẫn cử tham dự cho mục tiêu tích lũy, học hỏi kinh nghiệm nâng cao trình độ từng bước.
Theo các nhà chuyên môn, trong nhóm các môn có khả năng tranh chấp HC vàng, có 2 môn tương đối khả quan là cờ tướng và cầu mây nữ, nhất là trong nội dung cầu mây nữ 4 người và cờ tướng đồng đội.
Đến trước thềm ASIAD lần này, Đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam đã có thành tích rất tốt khi giành ngôi vô địch thế giới nội dung nữ 4 người trong 2 năm 2022 và 2023. Còn cờ tướng, hiện trong đội hình bộ môn này có 2 VĐV đang thi đấu nổi bật là Lại Lý Huynh và Nguyễn Thành Bảo, từng tham gia Giải Vô địch thế giới 2022 và Giải Vô địch châu Á 2023 nên tích lũy khá nhiều kinh nghiệm. Môn cờ tướng mới được đưa trở lại chương trình chính thức của ASIAD lần này tại Trung Quốc với 3 nội dung thi đấu, nhiều khả năng các kỳ thủ Việt Nam sẽ tìm thấy cơ hội để tranh ngôi vô địch 1 trong 3 nội dung này.
Tính cho đến thời điểm khi bài báo lên khuôn, dẫn đầu tại Đại hội là chủ nhà Trung Quốc với 70 HC giành được trong đó có 40 HC vàng. Sẽ rất khó cho đoàn thể thao nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc ngay trên sân nhà của họ. Đoàn Hàn Quốc đứng nhì với 30 HC, trong đó có 11 HC vàng. Đoàn thể thao Việt Nam giành được 6 HC, trong đó có 1 HC bạc và 5 HC đồng. Rất nhiều người hâm mộ đang trông chờ thời điểm đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành được HC vàng tại ASIAD lần này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin