Đà Lạt đang nỗ lực duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) thành phố, đặc biệt, trong đó có nhiều môn thể thao có thế mạnh thông qua các hoạt động xã hội hóa.
Rất nhiều CLB bóng đá cộng đồng tham gia đào tạo bóng đá trẻ theo hình thức xã hội hóa hiện nay tại Đà Lạt |
Là đô thị loại 1, thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng với dân số trên 230 nghìn dân tính đến cuối năm 2022, đô thị hóa cao, dân cư tập trung đông, kinh tế - xã hội phát triển, Đà Lạt có nhiều điều kiện để phát triển phong trào TDTT tại địa phương, trong nhiều năm nay, Đà Lạt là địa phương dẫn đầu tỉnh trong rất nhiều hoạt động TDTT.
Theo ông Hồ Hữu Tường - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Đà Lạt, 3 bộ môn có phong trào mạnh nhất hiện nay tại Đà Lạt chính là bóng đá, quần vợt và bóng bàn. Cả 3 môn này đều có những hoạt động nổi bật trong năm thông qua hình thức xã hội hóa.
Với bóng đá, toàn thành phố hiện có khoảng 30 sân cỏ nhân tạo do các tổ chức, đơn vị, chủ yếu là tư nhân đầu tư đang hoạt động. Mỗi sân như thế thường có từ 1 đến vài câu lạc bộ (CLB) bóng đá thường xuyên hoạt động. Tính tổng cộng, toàn thành phố cho đến nay có trên 50 CLB bóng đá, cả nghìn người chơi bóng thường xuyên trong nhiều lứa tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh. Các CLB này hầu như hằng tháng đều tự tổ chức các hoạt động cho CLB của mình, tổ chức các giải thi đấu cấp CLB, tổ chức các hoạt động giao lưu bóng đá trong và ngoài tỉnh.
Nổi bật trong các CLB bóng đá này chính là các CLB bóng đá cộng đồng được hình thành khá lâu tại thành phố. Không chỉ tổ chức các giải đấu xã hội hóa mà nhiều CLB cộng đồng này còn tham gia đào tạo bóng đá trẻ, tiêu biểu trong số này là CLB Bóng đá Hồng Lạc. Với trên 30 năm thành lập và duy trì, CLB Bóng đá Cộng đồng Hồng Lạc tại Đà Lạt cho đến nay thường xuyên cử đội hình của mình tham gia các giải bóng đá xã hội hóa lớn trong nước hay các giải khu vực miền Trung - Tây Nguyên hằng năm. Hồng Lạc đến nay còn góp phần đào tạo rất nhiều cầu thủ trẻ tại Đà Lạt trong các lứa tuổi thanh, thiếu niên yêu thích bóng đá.
Theo ông Hồ Hữu Tường, để duy trì và phát triển phong trào bóng đá tại địa phương, hằng năm, Đà Lạt thường xuyên tổ chức rất nhiều các giải bóng đá từ cấp xã, phường đến cấp thành phố. Nhất là trong dịp hè, khi học sinh, sinh viên nghỉ hè, các giải bóng đá rất nhiều đội, đông VĐV tham dự, bao gồm giải bóng đá sân lớn 11 người, giải bóng đá sân cỏ nhân tạo 5 - 7 người cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải bóng đá mi ni sân cỏ nhân tạo cho thanh niên, học sinh các cấp. Thành phố cũng tổ chức các giải bóng đá nữ dành cho người lớn và cho học sinh các cấp học.
Điều thú vị, theo ông Tường, cho đến nay, nhiều CLB bóng đá xã hội hóa tại Đà Lạt đã xuất hiện những cầu thủ “nghiệp dư” khá nổi bật, có “tiếng tăm”, chuyên đầu quân thi đấu cho các đội các tỉnh, thành tại các giải bóng đá đường phố lớn trong nước khi có lời mời với các hợp đồng ngắn hạn với tiền trả khá cao.
Với bóng bàn, Đà Lạt cũng nổi bật với nhiều CLB hoạt động theo hình thức xã hội hóa với tổng cộng toàn thành phố có cả hằng nghìn người chơi bóng bàn hàng ngày. Trong số này có những CLB lớn đang hoạt động rất hiệu quả hiện nay như: CLB Bóng bàn Nguyễn Công Trứ; CLB Bóng bàn Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, CLB Bóng bàn Phù Đổng, CLB Bóng bàn cộng đồng Đà Lạt. Hằng năm, với cấp thành phố, Đà Lạt thường xuyên tổ chức giải để phát triển phong trào. Tuy nhiên, hầu hết các CLB đều tự vận động tài trợ đứng ra tổ chức giải cấp CLB hay liên CLB với nhau. Còn với giải cấp tỉnh, hầu như các VĐV của các CLB bóng bàn tại Đà Lạt luôn áp đảo số huy chương (HC) giành được trong các nội dung thi đấu, như Giải Bóng bàn toàn tỉnh 2023 vừa qua chẳng hạn, các VĐV Đà Lạt đã giành tổng cộng 8/9 bộ HC vàng.
Đặc biệt, hầu hết các CLB bóng bàn lớn tại Đà Lạt đều có tham gia đào tạo bóng bàn trẻ theo hình thức xã hội hóa, điều mà hầu hết các địa phương trong tỉnh vẫn chưa làm được như cách Đà Lạt đang làm hiện nay. Nhiều CLB có các huấn luyện viên vốn là những tay vợt tên tuổi trong tỉnh, đứng ra tập luyện cho các lớp trẻ. Chính việc đào tạo trẻ này đã góp phần không nhỏ để hình thành nên một phong trào tập luyện bóng bàn rộng rãi trong mọi lứa tuổi tại Đà Lạt hiện nay, nhất là trong lớp trẻ thanh, thiếu niên tại Đà Lạt. Qua các lớp đào tạo, các CLB đã kịp thời phát hiện thêm những VĐV có năng khiếu để qua các giải tỉnh, lọt vào danh sách đội tuyển bóng bàn trẻ của tỉnh để bồi dưỡng, thi đấu tại các giải khu vực và trong nước.
Với quần vợt, Đà Lạt cũng đang có phong trào rất mạnh với khoảng 300 người chơi tập luyện hằng ngày tại trên 10 sân quần vợt do các tổ chức, cá nhân xây dựng trên địa bàn Đà Lạt. Hầu hết các sân này mỗi sân đều có từ 1 đến nhiều CLB quần vợt hoạt động. Theo ông Tường, hằng năm, Đà Lạt chỉ tổ chức 1 giải quần vợt cấp thành phố để phát triển phong trào, tuy nhiên, các CLB đứng ra tổ chức rất nhiều hoạt động và những năm gần đây Trung tâm thường xuyên phối hợp với các CLB để tổ chức không dưới 10 giải quần vợt xã hội hóa trong mỗi năm.
“Nhìn chung, các CLB quần vợt trên địa bàn đều hoạt động rất tốt, tự đứng ra tổ chức các giải đấu cấp CLB hay giải mở rộng với nhiều CLB trong và ngoài tỉnh tham gia. Hoạt động quần vợt Đà Lạt gần đây cũng đã gắn với các hoạt động từ thiện, nhân đạo trong tỉnh”, ông Tường chia sẻ.
Như trong tháng 9 vừa qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thể thao Đà Lạt đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Tennis Lâm Đồng tổ chức giải Quần vợt mở rộng TP Đà Lạt chào mừng 130 năm thành phố hình thành và phát triển đã quy tụ trên 260 VĐV từ nhiều tỉnh, thành về tranh tài, qua đó vận động được 157 triệu đồng để tài trợ học bổng cho 15 học sinh hiếu học có gia cảnh khó khăn tại TP Đà Lạt thêm điều kiện đến trường.
Không chỉ 3 môn thể thao trên, Đà Lạt đến nay có không ít các môn TDTT có phong trào rất mạnh, được xã hội hóa rất tốt như cầu lông, thể dục dưỡng sinh người cao tuổi, yoga, xe đạp thể thao, cờ tướng, bơi, thể hình, các môn võ thuật… Đặc biệt, môn bơi hiện đang từng bước phát triển rất tốt trong các trường học các cấp trên địa bàn Đà Lạt. Nhiều trường học trong thành phố nhiều năm qua đã hợp đồng với các hồ bơi tư nhân trên địa bàn để đưa huấn luyện viên cùng học sinh đến đây học bơi như là hoạt động ngoại khóa cho chương trình phòng, chống đuối nước hiện nay, được phụ huynh rất ủng hộ.
Trong năm 2022, Đà Lạt đã tổ chức Đại hội TDTT cấp thành phố và cử đội hình tham gia 14 môn thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII năm 2022, dẫn đầu toàn tỉnh với tổng số 91 HC, trong đó có 38 HC vàng, 33 HC bạc và 20 HC đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Đà Lạt đã tổ chức 6 giải thể thao cấp thành phố đồng thời cử VĐV tranh tài tại 8 giải cấp tỉnh, giành 3 giải Nhất toàn đoàn.
Cái khó của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Đà Lạt trong nhiều năm nay, theo ông Hồ Hữu Tường, chính là vẫn chưa có cơ sở vật chất dành riêng cho các hoạt động TDTT cấp thành phố hiện nay. “Tất cả các giải cấp thành phố lâu nay chúng tôi đều phải thuê mướn sân bãi, nhiều lúc rất bị động trong việc tổ chức giải. Nhiều năm liền chúng tôi đề nghị thành phố và tỉnh nên có cơ sở sân bãi để tổ chức các giải phong trào hằng năm nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi”, ông Tường cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin