Lâm Đồng Trail được đưa vào hệ thống đường chạy địa hình châu Á - Asia Trail Master

VIẾT TRỌNG 06:32, 23/11/2023

Diễn ra trong đầu tháng 11 vừa qua tại Đà Lạt, Giải Chạy địa hình Lâm Đồng Trail lần thứ 2 - 2023 đã thu hút một lượng lớn VĐV trong nước và nước ngoài dự giải. Cùng với Dalat Ultra Trail diễn ra trong tháng 3 hằng năm tại Đà Lạt, Lâm Đồng Trail trong năm nay đã chính thức được đưa vào hệ thống giải chạy địa hình châu Á nổi tiếng Asia Trail Master. 

 Xuất phát của đường chạy cự ly 5 km cho trẻ em và gia đình
Xuất phát của đường chạy cự ly 5 km cho trẻ em và gia đình

VĐV THAM DỰ TĂNG LÊN 

Với chủ đề “Về với thiên nhiên - Back to nature” Giải Chạy địa hình Lâm Đồng Trail lần thứ 2 - 2023 có tổng cộng 2.528 VĐV tranh tài, trong đó có 76 VĐV người nước ngoài, diễn ra từ ngày 10 - 13/11 tại Đà Lạt.

Được tổ chức trong năm Đà Lạt kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển nên giải được xem là một trong những hoạt động lớn trong chuỗi sự kiện kỷ niệm của thành phố hoa, nhằm quảng bá thành phố này như là một điểm đến hấp dẫn của du lịch, của thể thao, của khám phá thiên nhiên với các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, trong đó có những cung đường chạy tuyệt đẹp trong rừng quanh Đà Lạt.

Giải năm nay vẫn có các cự ly như năm trước gồm 15 km, 25 km, 45 km và 75 km; trong đó, cự ly đông VĐV tham dự nhất là 15 km với 814 VĐV; cự ly 25 km có 602 VĐV; cự ly 45 km có 498 VĐV và cự ly 75 km có 295 VĐV. 

Tại giải, Ban Tổ chức cũng duy trì đường chạy cho trẻ em, để trẻ từ 6 đến 14 tuổi có thể chạy cùng gia đình (Kids Trail - Family Trail Run), tuy nhiên năm ngoái, cự ly này chỉ dài 3 km thì năm nay đã được nâng lên 5 km.

Dù mới tổ chức lần thứ 2, nhưng so với năm trước, giải năm nay lượng VĐV tranh tài đã tăng lên đáng kể. Dù số lượng VĐV người nước ngoài có giảm hơn gần nửa trong năm nay nhưng VĐV trong nước tăng lên 500 VĐV. Đặc biệt, đường chạy cho gia đình và trẻ em năm trước chỉ 180 gia đình đăng ký thì năm nay con số này đã tăng lên lên 300. 

 “Năm nay nhìn chung có những khó khăn nhất định, dù chúng tôi nỗ lực hết sức nhưng số đơn vị tài trợ cho giải giảm hơn năm trước. Tuy nhiên, số lượng VĐV lại tăng lên, đây là điều đáng mừng cho 1 giải mới chỉ tổ chức lần thứ 2, chứng tỏ sức hút của giải rất tốt”, bà Phạm Thị Minh Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sự kiện Nón Xanh (GreenHat), Trưởng Ban Tổ chức giải cho biết. 

• GIỮ AN TOÀN CHO VĐV 

Điều đáng ghi nhận của Lâm Đồng Trail - 2023 chính là tính chuyên nghiệp đã tăng lên rất nhiều. Hầu hết các VĐV mà chúng tôi có dịp trò chuyện sau khi về đích đều tỏ ra rất hài lòng về giải. 

Như VĐV Lê Văn Dũng, 53 tuổi, người TP Hồ Chí Minh, chạy ở cự ly 45 km, cho biết đây là lần thứ 2 ông chạy ở giải này. Năm trước, ông Dũng cũng dự giải trong cự ly 45 km, nhưng năm nay ông cho biết hầu hết các điểm kiểm tra (Check Point) đều có người hỗ trợ, rất nhiệt tình giúp đỡ các VĐV khi cần. “Tôi đã nhiều lần lên Đà Lạt tham dự Dalat Ultra Trail và trong năm ngoái có dự giải này ở cự ly dài, nhưng năm nay Ban Tổ chức giải đã bố trí lực lượng rất tốt để đảm bảo an toàn cho đường chạy trong rừng khiến mọi người rất an tâm”, ông Dũng nói.

Theo bà Trần Hạnh Quyên, 42 tuổi, người Hà Nội, tham gia cự ly 25 km, cùng với việc bố trí người, Ban Tổ chức cũng cung cấp đầy đủ nước, thực phẩm cùng người hỗ trợ những ngã rẽ cần hướng dẫn trên đường chạy. “Nhờ năm nay không mưa nên đường trong rừng khô ráo, đường đẹp, giải tổ chức rất tốt. Nếu có đề nghị gì thì tôi nghĩ sang năm Ban Tổ chức có thể nên bố trí thời gian chạy cho cự ly 25 km sớm hơn chút để đỡ nóng vì năm nay nắng lên nhanh ban ngày. Với lại, vì là nữ nên nếu được, có thể thêm nguồn thực phẩm cho VĐV đa dạng hơn tại các điểm hỗ trợ”, bà Quyên tươi cười.

Một VĐV khác, ông Nguyễn Thái An, 52 tuổi, người TP Hồ Chí Minh, chạy ở cự ly 75 km, cũng đồng ý rằng giải năm nay tổ chức tốt hơn năm trước rất nhiều. “Có thể nói, năm ngoái tôi cũng chạy cự ly này, khi về đích mọi người có góp ý thì Ban Tổ chức đều đã ghi nhận và điều chỉnh trong năm nay để giải ngày càng tốt hơn. Năm nay, chúng tôi cũng xuất phát 3 giờ sáng nhưng các điểm Check Point đều có hướng dẫn đường chạy cụ thể nên dù ban đêm cũng chẳng phải sợ lạc đường trong rừng. Đường chạy đẹp, khô ráo, tương đối dễ chạy, chỉ có đoạn cuối thì hơi thử thách với các con dốc dài, nhưng chạy địa hình thì phải như vậy”, ông An cho biết. 

Ông Lê Tấn Hi, người từng là VĐV điền kinh lâu năm của Thể thao Lâm Đồng, nay là thành viên trong Ban Tổ chức và là người trực tiếp thiết kế đường chạy của giải năm nay cho biết: “Điểm mới của mùa giải năm nay là tất cả các cự ly chạy từ 15 km đến 75 km đều di chuyển trên đường chạy ngược theo chiều kim đồng hồ”. 

Theo ông Đỗ Huỳnh Khánh Duy, thành viên của Ban Tổ chức giải, ưu tiên hàng đầu của giải là sự an toàn cho VĐV. “Dù đường chạy trong rừng, trải qua nhiều con dốc dài, đồi cao nhưng chúng tôi đã bố trí đủ người tại các điểm hỗ trợ với khoảng cách từ 5 - 8 km một điểm. Trên đường chạy, tại các vùng cần bảo vệ an toàn chúng tôi đều bố trí các cột mốc đánh dấu đầy đủ, tại điểm hỗ trợ luôn cung cấp đủ nước uống, thực phẩm cho VĐV trên đường chạy, sẵn sàng hỗ trợ y tế và hướng dẫn đường chạy khi cần nên mọi người hầu hết đều rất hài lòng”. 

• THÀNH VIÊN CỦA ASIA TRAIL MASTER

Dù mới tổ chức lần thứ 2 nhưng Lâm Đồng Trail đã chính thức là thành viên của Giải Chạy địa hình châu Á - Asia Trail Master. 

Asia Trail Master là một tổ chức thể thao có trụ sở chính tại Hồng Kông trước đây nhưng nay việc điều hành đã dần chuyển sang Malaysia. Tổ chức này vận hành nhiều giải chạy địa hình lớn tại châu Á với các thành viên tại nhiều quốc gia của châu lục này. Khi tham gia bất kỳ một giải chạy đang là thành viên của Asia Trail Master, các VĐV sẽ được ghi nhận thành tích và được tích lũy điểm để có thể tham gia các giải chạy nổi tiếng khác trong hệ thống giải chạy này. 

Tại Việt Nam, đến nay đã có 3 giải chạy địa hình là thành viên của Asia Trail Master, trong đó có 2 giải ở phía Bắc là giải địa hình Rừng Quốc gia Cúc Phương - Cuc Phuong Jungle Paths tại Ninh Bình trong tháng 4 hằng năm (với 2 cự ly ghi nhận gồm 42 km và 100 km); giải chạy địa hình Sa Pa ở Lào Cai - Vietnam Mountain Marathon tổ chức hằng năm trong tháng 9 (với 3 cự ly ghi nhận gồm 50 km, 70 km và 100 km); 1 giải phía nam là Dalat Ultra Trail trong tháng 3 (với cự ly ghi nhận 85 km) và trong năm nay là Lâm Đồng Trail (với cự ly ghi nhận 75 km).

Để Lâm Đồng Trail trở thành thành viên, Asia Trail Master đã cử người sang Việt Nam giám sát công tác tổ chức của giải đấu. Đại diện của Asia Trail Master năm nay tại giải, ông William Cheang cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi đã có người qua và năm nay là tôi. Có nhiều giải địa hình tại châu Á đăng ký xin gia nhập thành viên, nhiệm vụ của chúng tôi là đánh giá công tác tổ chức có tốt và đạt các chuẩn theo yêu cầu hay không mới chấp nhận”. 

Theo ông William Cheang, Lâm Đồng Trail có đường chạy rất đẹp. Và đường chạy này không chỉ đẹp ở Việt Nam mà đây còn là đường chạy đẹp hàng đầu trong vùng Đông Nam Á và cả châu Á. So với năm trước thì năm nay chất lượng giải được nâng lên rất nhiều. Ông cũng bày tỏ sự thích thú với đường chạy dành cho trẻ em. “Là thành viên chính thức của Asia Trail Master, tôi hy vọng những năm đến sẽ có thêm các VĐV nổi tiếng ở châu Á đến với đường chạy này”, ông William Cheang nói.