Olympic Paris 2024 chờ ngày khai mạc 

VIẾT TRỌNG  06:00, 11/07/2024

Cuối tuần này, khi Euro 2024 khép lại trên đất Đức thì châu Âu lại có thêm một sự kiện thể thao lớn đang chờ đợi người hâm mộ trên khắp thế giới, đó là Thế vận hội mùa hè Olympic Paris 2024 diễn ra trên đất Pháp từ 26/7 đến 11/8.

Nước Pháp đang chào đón các VĐV từ khắp nơi trên thế giới đến tranh tài 
tại Thế vận hội Paris 2024
Nước Pháp đang chào đón các VĐV từ khắp nơi trên thế giới đến tranh tài tại Thế vận hội Paris 2024

 

ĐẢM BẢO AN NINH

Theo dự kiến của Ban Tổ chức, Thế vận hội mùa hè 2024 tại Paris, Pháp (2024 Summer Olympic) sẽ có 10.672 vận động viên (VĐV) từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đến Pháp đến tranh tài trong 329 nội dung của 32 bộ môn thể thao. Cùng với các đoàn VĐV là đoàn quan chức các nước cũng có mặt tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, số lượng VĐV đến Pháp, theo một tờ báo lớn của Pháp gần đây (La Croix), có thể lên đâu đó chừng 15 nghìn; cộng với hàng triệu du khách đổ về đây tham dự các sự kiện của Thế vận hội, tất cả đang tạo một sức ép rất lớn lên Ban Tổ chức và cho thành phố Paris về chỗ ăn ở, đi lại, tất cả đều tăng đột biến trong thời điểm diễn ra Thế vận hội. 

Nhưng cũng không quá đáng ngại về hạ tầng cho một thành phố nổi tiếng về du lịch vốn quen những sự kiện lớn như Paris và cho cả nước Pháp nói chung. Như Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trong một dịp đến Đà Lạt cho chúng tôi biết rằng, nước Pháp mỗi năm đón chừng 100 triệu lượt du khách quốc tế, hầu hết du khách đi qua cổng Paris với các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng.
Thật ra, Pháp đã có một thời gian khá dài để chuẩn bị mọi thứ cho Thế vận hội 2024 trong đó có việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, cải tạo lại các tuyến tàu điện ngầm. Cùng đó là việc xây mới hàng loạt công trình phục vụ cho Olympic 2024 cũng như nước này có thể tận dụng những hạ tầng thể thao nổi tiếng có sẵn như tổ hợp thể thao Roland Garros hoặc các sân vận động Các hoàng tử (Parc des Princes) hay Arena Bercy...

Điều đáng quan tâm nhất cho nước Pháp lúc này trước thềm Thế vận hội 2024 diễn ra chính là công tác an ninh. Để đảm bảo an toàn cho Thế vận hội 2024 trong bối cảnh chiến tranh vẫn đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông, nước Pháp loan báo sẽ huy động một lực lượng lớn “chưa từng có” từ trước đến nay, bao gồm khoảng 45 ngàn thành viên an ninh Pháp; 24 ngàn đặc vụ tư nhân cùng với 18 ngàn nhân viên quân sự.

Cùng đó, nước Pháp cũng nhờ Cục Cảnh sát châu Âu (Europol) và Bộ Nội vụ Anh (UK Home Office) hỗ trợ công tác an ninh trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, trong đó có việc sử dụng các thiết bị bay không người lái để kiểm soát từ trên không lẫn các thuyền không người lái kiểm soát trên biển. 

Có khoảng 45 quốc gia sẵn sàng hỗ trợ cho Pháp về an ninh trong dịp này, chủ yếu là các quốc gia châu Âu. Trong đó hàng ngàn chuyên gia các nước sẽ đến hỗ trợ Pháp nhiều mặt. Cảnh sát từ các quốc gia khác cũng sẽ có mặt tại các cuộc thi thể thao hoặc các sự kiện; tham gia các đội tuần tra cùng với đặc vụ Pháp. Nhiều nước còn sẵn sàng gửi đến Pháp các đội chó nghiệp vụ nhằm phát hiện chất nổ, ma túy hay nghi phạm.

Cũng vì lý do an ninh nên Ban Tổ chức loan báo có khả năng điều chỉnh số người tham dự lễ khai mạc Thế vận hội 2024. Theo chương trình, đây là một lễ khai mạc độc đáo chưa từng có trong các Thế vận hội trước đây, nghĩa là thay vì lễ khai mạc tổ chức trong một sân vận động thì Thế vận hội này tổ chức trên một dòng sông, sông Seine, biến lễ khai mạc một bữa tiệc ánh sáng và văn hóa độc đáo ở một thành phố ánh sáng như Paris. Tuy nhiên, do lý do an ninh nên Ban Tổ chức có thể điều chỉnh từ số lượng  600 ngàn người tham dự xuống còn khoảng trên 300 ngàn người. 

Trong dịp này sẽ có khoảng 30 ngàn phóng viên từ các quốc gia được Ban Tổ chức cấp thẻ tác nghiệp ở hiện trường, cùng đó là hàng ngàn nhà báo tự do. Hỗ trợ cho các VĐV và các đoàn quốc tế sẽ có khoảng 45 ngàn tình nguyện viên, không chỉ tình nguyện viên người Pháp mà họ còn đến từ nhiều quốc gia, tất cả đều qua kiểm tra chọn lọc, có kinh nghiệm, được huấn luyện trước khi vào cuộc.  

Cũng nói thêm một chút là các tấm huy chương vàng của các VĐV giành được tại Thế vận hội Paris 2024 lần này đều có… vàng thật trong đó. Tổng cộng có khoảng 5.084 huy chương được trao cho VĐV trong dịp này cho cả Thế vận hội 2024 và cho Thế vận hội cho người khuyết tật Paralympic 2024 được tổ chức sau đó (từ 28/8 đến 8/9). Tất cả số huy chương này được thiết kế rất đẹp bởi Chaumet - một công ty chuyên làm đồ nữ trang nổi tiếng ở Paris và được đúc tại Monnaie de Paris, nơi chuyên sản xuất tiền đồng cho nước Pháp. Mỗi tấm huy chương như vậy có đường kính 85 mm, dày 9,2 mm, nặng 455 - 529 gam. Riêng với tấm huy chương vàng có vàng thật trong đó nhưng tỷ lệ vàng chỉ chiếm… 1,13 %; phần còn lại 98,8% là bạc. Tất nhiên các tấm huy chương bạc thành phần chính sẽ là bạc còn các tấm huy chương đồng được đúc với đồng, kẽm và thiếc theo một tỷ lệ nhất định. 

• CƠ HỘI NÀO CHO VĐV VIỆT NAM TẠI OLYMPIC 2024? 

Có 16 VĐV đại diện cho Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024. Trong đó có 14 VĐV giành được suất chính tham dự, đó là Nguyễn Thị Thật (môn xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoe), Phạm Thị Huệ (rowing) Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông); Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing); Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung); Hoàng Thị Tình (judo). 2 VĐV còn lại đến từ tấm vé đặc cách, gồm Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) và Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).

Câu hỏi đặt ra là liệu có cơ hội nào cho các VĐV Việt Nam vươn tay đến tấm huy chương Thế vận hội được hay không? 

Có thể trả lời một cách rõ ràng rằng: quá khó. Nếu không nói đó là một nhiệm vụ hầu như vượt ra ngoài tầm với so với năng lực của các VĐV Việt Nam hiện nay. Ngay cả những tấm huy chương ở cấp châu lục, Thể thao Việt Nam giành được không dễ, huống chi là huy chương cấp thế giới. Có lẽ phải đến một thời gian nữa khi chúng ta nâng được thành tích lên. 

Cách đây 4 năm, tại Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản, Thể thao Việt Nam có 18 VĐV góp mặt. Trước đó, tại Olympic Rio de Janeiro 2016 ở Brazil, đoàn Thể thao Việt Nam có 23 VĐV tranh tài, còn Olympic London 2012 ở Anh là 18. Chính vì vậy, đây là kỳ Thế vận hội mùa hè mà Thể thao Việt Nam có ít VĐV tham dự nhất trong 12 năm qua.

Trong danh sách 16 VĐV tham gia tranh tài đó, 2 VĐV Võ Thị Mỹ Tiên trong môn bơi và Trần Thị Nhi Yến trong điền kinh chỉ đến như là khách mời, nghĩa là rất khó cạnh tranh với các VĐV đoạt vé chính thức. Trong 14 VĐV còn lại, theo giới chuyên môn, nhiều hy vọng nhất ở môn bắn súng và cử tạ. Lý do là bởi bắn súng ẩn chứa những điều bất ngờ nên có thể trông đợi các VĐV Việt Nam có bước đột phá. Tại Thế vận hội 2016, VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh của Thể thao Việt Nam đã từng giành huy chương vàng dù không được đánh giá cao trước đó.

Trong các quốc gia vùng Đông Nam Á, Thể thao Indonesia đến với Thế vận hội Paris 2024 lần này với 28 VĐV và họ đang đặt ra đặt mục tiêu giành được 5 huy chương trong đó có 1 huy chương vàng, tương tự như thành tích họ đã giành được 4 năm trước tại Tokyo 2020.  Philippines có thế mạnh về boxing nên họ cũng nhiều hy vọng tái lập lại thành tích từng giành được từ Thế vận hội 4 năm trước. Riêng Thái Lan là quốc gia giành nhiều suất dự Olympic Paris 2024 nhất trong khu vực với 51 VĐV và nước này đang đặt ra nhiệm vụ giành được đến 9 huy chương trên đất Pháp.

Theo lịch trình, ngày 17/7 này Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức Lễ xuất quân dự Olympic Paris 2024.