Tiếp sau Olympic Tokyo 2020, Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè - Paralympic Tokyo 2020 đã bắt đầu từ 24/8 tại Đông Kinh - Nhật Bản và kết thúc vào ngày 5/9.
Tiếp sau Olympic Tokyo 2020, Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè - Paralympic Tokyo 2020 đã bắt đầu từ 24/8 tại Đông Kinh - Nhật Bản và kết thúc vào ngày 5/9.
Đoàn thể thao Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: Internet |
SÂN CHƠI CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Sinh ra trong cuộc đời này ai ai cũng mong muốn mình có được một thân thể đầy đủ và khỏe mạnh; khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, để làm được những điều mình muốn. Nhưng sẽ ra sao nếu sinh ra là một người khuyết tật, hay từ bình thường trở thành khuyết tật vì bệnh tật, vì tai nạn, vì chiến tranh?
Một ước tính có khoảng 15% dân số thế giới với khoảng 1 tỷ người là người khuyết tật hiện nay, trong đó chiếm một tỷ lệ không nhỏ là những người rất khó khăn về vận động. Tại Việt Nam, cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 do Tổng cục Thống kê tiến hành với sự hỗ trợ của UNICEF cho biết, trên 7% dân số nước ta từ 2 tuổi trở lên, với khoảng 6,2 triệu người là người khuyết tật.
Người khuyết tật bị thiệt thòi như thế nào? Trước nhất đó là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội; không được chăm sóc sức khỏe tốt nhất khi cần; trẻ khuyết tật ít có khả năng đến trường; người khuyết tật dễ bị thất nghiệp, không có việc làm, dễ rơi vào đói nghèo. Phải cần rất nhiều nỗ lực để người khuyết tật phá bỏ được các rào cản xã hội để hòa nhập được với cộng đồng, để họ có thể tham gia được hầu hết các hoạt động trong xã hội trong đó có thể thao.
Cho đến nay đã có trên 170 quốc gia trên thế giới ký vào Công ước quyền của người khuyết tật (Convention on the Rights of Persons with Disabilities - CRPD), trên 130 quốc gia đã phê chuẩn về khuyến khích, bảo vệ và đảm bảo quyền con người cho tất cả người khuyết tật.
Trong ý nghĩa này, việc tổ chức Thế vận hội dành cho người khuyết tật - Paralympic Games, chính là một sự kiện mang tính biểu tượng rất lớn để người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, điều tiến bộ này không dễ có được ngay mà là một tiến trình khá lâu, rất mất thời gian. Tính từ 1896, khi Thế vận hội mùa hè hiện đại lần đầu tiên được tổ chức tại Athens, Hy Lạp thì thế giới phải mất đến 64 năm mới hiện thực hóa được điều này. Mãi đến năm 1960, Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè mới được tổ chức lần đầu tiên tại Roma, Italia.
Thật ra, trước đó, đã có không ít các VĐV là người khuyết tật từng đi tiên phong, tranh tài trong các kỳ Thế vận hội trước khi Paralympic ra đời. Điển hình là George Eyser, một VĐV thể dục người Mỹ, với một chân giả ông đã thi đấu tại Thế vận hội mùa hè 1904 tại Saint Louis, Mỹ. Một VĐV khác, Karoly Takacs người Hungary, từng tranh tài bắn súng trong cả hai kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè 1948 và 1952. Mất một tay phải, Karoly Takacs dùng súng bằng tay trái.
Có một cuộc thi thể thao dành riêng cho người khuyết tật có thể được coi là tiền thân của Paralympic hiện đại hôm nay, đó chính là cuộc thi xe lăn dành cho những bệnh nhân là cựu chiến binh người Anh bị chấn thương tủy sống trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc thi này lần đầu tiên được tổ chức tại Bệnh viện Stoke Mandeville, London, Anh đúng vào dịp khai mạc Thế vận hội mùa hè 1948 tại London. Giám đốc Bệnh viện này thời đó là Ludwig Guttmann muốn tổ chức một cuộc thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật có thể sánh ngang với Thế vận hội Olympic. Chính vì vậy, 4 năm sau, năm 1952, khi Thế vận hội mùa hè diễn ra tại Helsinki - Phần Lan, cuộc thi này vẫn được ông tiếp tục tổ chức với qui mô lớn hơn tại London, lúc này có sự tham gia của các cựu chiến binh Hà Lan tranh tài cùng với các cựu chiến binh Anh. Cuộc thi đấu thể thao nhân đạo mang tính quốc tế đầu tiên này cho đến nay đã được ghi nhận như là bước đầu của Thế vận hội Paralympic hiện đại.
Sau khi Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè năm 1960, các Paralympic mùa hè lần lượt diễn ra cùng với năm tổ chức Olymic mùa hè sau đó. Đến năm 1976, Thế vận hội Người khuyết tật mùa đông mới lần đầu được tổ chức tại Ornkoldsvik, Thụy Điển. Từ năm 1976 đến năm 1992, cả 5 Paralympic mùa hè và mùa đông đều tổ chức cùng năm với nhau; đến năm 1994, Paralympic mùa đông đã được chuyển sang tổ chức cùng năm với Olympic mùa đông (Olympic mùa hè và Olympic mùa đông lệch nhau 2 năm).
Lý giải đối với tên gọi “Paralympic” hiện nay rằng giới từ “Para” có nguồn gốc từ tiếng Latinh có nghĩa là “bên cạnh, kề bên”. Có thể coi Paralympic là một cuộc thi thể thao được tổ chức song song với Olympic. Lần đầu tiên thuật ngữ “Paralympic” được đưa vào sử dụng chính thức là tại Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè 1988 tại Seoul - Hàn Quốc.
Cũng cần biết rằng có rất nhiều dạng khuyết tật, được phân loại khá phức tạp hiện nay. Tại Paralympic mùa hè và Paralympic mùa đông hiện nay, các VĐV khuyết tật về thể chất như thiểu năng, khuyết chi, mù lòa, bại não được thi đấu. Tất cả các cuộc thi trong Paralympic đều do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) quy định. Bên cạnh đó còn có Thế vận hội Olympic đặc biệt (Special Olympics World Games) dành cho các vận động viên khuyết tật trí tuệ và Thế vận hội Deaflympic dành cho các vận động viên khiếm thính.
BÓNG ĐEN CỦA DỊCH BỆNH
Tối 24/8, hơn 2 tuần sau khi Olympic mùa hè Tokyo 2020 kết thúc, ngọn đuốc của Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè - Paralympic Tokyo 2020 đã chính thức được thắp lên trong lễ khai mạc trọng thể tại Sân vận động quốc gia Tokyo. Trong gần 2 tuần, các trận đấu của Paralympic được diễn ra tại các địa điểm đã từng diễn ra Olympic Tokyo 2020 trước đó và sẽ kết thúc trong ngày 5/9.
Cũng giống như Olympic, Paralympic Tokyo năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đe dọa thế giới, trầm trọng nhất là trong vùng châu Á, nhất là tại Đông Nam Á. Tokyo - nơi đăng cai cũng đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Chình vì vây, Nhật Bản không cho phép khán giả nước ngoài tới Nhật để cổ vũ trong dịp này, ngay cả khán giả nhà cũng không được phép đến sân dự khán. Tất cả các quan chức và VĐV của các đoàn nước ngoài đều phải tuân thủ các qui định nghiêm nhặt của Ban tổ chức trong những ngày tranh tài tại đây.
Với 4.535 VĐV đến từ 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, Paralympic Tokyo 2020 là Thế vận hội Người khuyết tật mùa hè có số lượng vận động viên tham gia đông nhất từ trước tới nay. Các VĐV sẽ tranh tài trong 22 môn thể thao với 539 nội dung thi đấu. Trong danh sách các môn thi đấu này vẫn là các môn phổ biến như bắn cung, điền kinh, xe đạp, cử tạ, chèo thuyền, bơi, bóng bàn... Đặc biệt lần này có 2 môn thể thao mới đưa vào Paralympic thi đấu là cầu lông và Taekwondo.
Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ dự Paralympic Tokyo năm nay, có 5 đoàn mới tham gia lần đầu, trong đó có Bhutan và Paraguay. Tuy nhiên, cũng có một số đoàn không thể cử VĐV đến như Samoa, Kiribati, Tonga… vì lý do dịch bệnh. Riêng đoàn VĐV Nga với 246 VĐV (đông thứ 4 tại giải sau chủ nhà Nhật, Brazil, Trung Quốc), giống như tại Olympic Tokyo 2020, vì lệnh cấm còn hiệu lực nên họ không được sử dụng tên nước, quốc kỳ hoặc quốc ca, chỉ có thể tranh tài dưới lá cờ của Ủy ban Paralympic Nga (RPC).
Chủ nhà Nhật trong kỳ này đã cử một lực lượng rất hùng hậu gồm 260 VĐV thi đấu ở tất cả các môn. Đây chính là đoàn thể thao đông nhất của Nhật Bản từng tham dự Thế vận hội Người khuyết tật và cũng là đoàn thể thao đông nhất tại Paralympic năm nay.
Đến với Thế vận hội Người khuyết tật năm nay, Đoàn thể thao Việt Nam có 15 thành viên, trong đó có 7 VĐV, thi đấu trong 3 bộ môn bơi, cử tạ và điền kinh. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, tất cả các VĐV Việt Nam tham dự lần này đều được chuẩn bị và sẽ cố gắng hết sức để giành thành tích tốt nhất có thể.
VIẾT TRỌNG