Từng 5 lần giành được danh hiệu vô địch Giải Bóng đá Đông Nam Á, đội tuyển Thái Lan đang nỗ lực tìm lại vị thế của mình tại AFF Cup 2020 năm nay.
Từng 5 lần giành được danh hiệu vô địch Giải Bóng đá Đông Nam Á, đội tuyển Thái Lan đang nỗ lực tìm lại vị thế của mình tại AFF Cup 2020 năm nay.
|
Thái Lan (áo xanh) trong trận thắng 4-0 trước Myanma tại AFF cup 2020 năm nay. Ảnh: Internet |
•
NHIỀU NĂM DẪN ĐẦU TRONG KHU VỰC
Với tổng diện tích trên 513 nghìn km
2 (gần gấp đôi diện tích Việt Nam) và dân số gần 70 triệu người, Thái Lan là một trong những quốc gia thành viên có nền bóng đá rất mạnh trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of South East Asian Nations - ASEAN).
Về lịch sử mà nói, bóng đá ở Thái Lan cũng lâu đời không kém các quốc gia khác trong khu vực, môn thể thao này do một quốc gia phương Tây mang đến, đó là nước Anh - quê hương của bóng đá thế giới. Năm 1897, Hiệp hội Sinh viên Thái Lan - Anh quốc đã giới thiệu quả bóng tròn này vào Thái, lập tức nó đã trở thành một môn thể thao phổ biến trong đất nước, nhất là trong giới học sinh và quân đội. Năm 1900, những người Anh sinh sống tại Thái đã tổ chức một giải đấu giữa đội Bangkok và đội Bộ Giáo dục Thái với nòng cốt là các sinh viên trong trường học, trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2. Một năm sau đó, giải bóng đá sinh viên do Bộ Giáo dục Thái tổ chức ra đời tại quốc gia này.
Năm 1915, giải bóng đá quốc gia Thái chính thức hình thành để tranh Cúp vàng Hoàng gia hằng năm. Cùng đó, đội tuyển bóng đá quốc gia cũng được thành lập để thi đấu các trận giao hữu, trận đầu tiên là với đội bóng gồm các cầu thủ là người Anh sinh sống và làm việc tại Thái lúc đó. Trận đấu này kết thúc với tỷ số 2-1 nghiêng về người Thái.
Năm 1916, Vua Thái Vajiravudh đã thành lập Hiệp hội Bóng đá Thái Lan. Quốc gia này gia nhập Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA năm 1925, đến năm 1954 là thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Năm 1930, đội tuyển bóng đá quốc gia Thái Lan đã có trận giao hữu với đội tuyển bóng đá Đông Dương thuộc Pháp lúc đó. Năm 1935, Thái Lan đã xây dựng sân bóng đá đầu tiên trên đất nước mình, đó là sân Suphachalasai tại Bangkok.
Đội tuyển Bóng đá quốc gia Thái Lan cho đến nay là đội bóng giàu thành tích nhất trong vùng Đông Nam Á. Trong lịch sử của mình, bên cạnh các trận giao hữu quốc tế, Thái Lan đã tham gia thi đấu tại Thế vận hội Olympic lần đầu tiên tại Úc năm 1956, đến 1968 họ cũng có mặt tại Thế vận hội Olympic Mexico. Tại châu Á, đội tuyển Thái Lan từng đứng thứ 3 giải vô địch châu Á AFC Asian Cup năm 1972. Thái Lan cũng từng giành vị trí thứ tư đến 2 lần tại Đại hội Thể thao châu Á Asian Games năm 1990 và 1998.
Trong khu vực Đông Nam Á, đội tuyển bóng đá Thái Lan từng 9 lần giành Huy chương Vàng Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Southeast Asian Games hay SEA Games) từ 1965 đến 1999. Tại Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á - AFF Cup, người Thái cũng dẫn đầu về số lần giành ngôi vô địch trong khu vực tính cho đến thời điểm này. Trong 12 lần tổ chức từ năm 1996 đến 2018, họ đã 8 lần vào chung kết trong đó có 5 lần lên ngôi vô địch vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014 và 2016. Có 3 đội tuyển quốc gia còn lại giành được ngôi vô địch tại AFF Cup là Singapore, Việt Nam và Malaysia. Trong đó, Singapore giành được danh hiệu vô địch 4 lần vào các năm 1998, 2004, 2007, 2012; Việt Nam giành được vô địch 2 lần năm 2008 và 2018; Malaysia giành được vô địch 1 lần vào năm 2010.
Và cũng rất thiếu sót khi viết về bóng đá Thái mà ông nói đến ông chủ người Thái tại CLB Leicerter City của bóng đá Ngoại hạng Anh hiện nay. Thực chất, Ngoại hạng Anh đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá Thái. Người mua lại CLB Leicester City năm 2010 là một doanh nhân Thái có cái tên rất dài Vichai Srivaddhanaprabha, doanh nhân này sinh năm 1958, là một người Thái gốc Hoa, chủ của chuỗi cửa hàng miễn thuế King Power Duty Free. Ông từng được coi là người giàu thứ 7 tại Thái Lan. Ông mua lại CLB Leicester City năm 2010, đến năm 2016 CLB này giành danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh.
Trong năm 2017 Vichai còn mua tiếp một CLB bóng đá khác tại Bỉ là OH Leuven. Tháng 10/2018 Vichai Srivaddhanaprabha qua đời trong một vụ tai nạn thảm khốc khi ông đi thăm đội bóng này tại Sân vận động Leicester City. Chiếc máy bay trực thăng chở ông khi cất cánh lên từ sân bóng đã phát nổ trên bầu trời. Hiện nay CLB Leicester City này được điều hành bởi con trai ông là Aiyawatt Srivaddhanaprabha.
•
GIẢI BÓNG ĐÁ QUỐC NỘI MẠNH
Để có một đội tuyển quốc gia mạnh, Thái Lan lâu nay đã xây dựng được hệ thống giải đấu bóng đá rất mạnh trong nước, từ giải trẻ, giải nghiệp dư, giải bán chuyên và giải chuyên nghiệp.
Giải đấu cao nhất hiện nay tại Thái chính là Thai League 1, được viết tắt là T1. Đây là một giải đấu vào hàng lâu đời của Đông Nam Á, được bắt đầu từ năm 1916, năm 1995 giải được tổ chức lại theo hình thức hiện nay. T1 hiện có 16 câu lạc bộ (CLB), đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà sân khách, mỗi đội thi đấu 30 trận trong mùa giải, có lên hạng và xuống hạng hằng năm. Có 3 đội đứng cuối giải phải xuống hạng thay thế bằng 3 đội dẫn đầu của T2 - giải thấp hơn phía dưới, lên hạng. Mùa giải của T1 bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 10 hằng năm, các trận đấu thường được tổ chức vào thứ Bảy và Chủ nhật, thỉnh thoảng có những trận đấu vào thứ Tư hoặc thứ Sáu.
Tính từ thời điểm 1996 đến nay, CLB giành danh hiệu vô địch nhiều nhất của T1 chính là Buriam United, với 7 lần, lần gần đây nhất là năm 2018. Một CLB giàu thành tích khác tại T1 của Thái chính là Muangthong United với 4 lần vô địch.
Liền kề phía dưới của T1 chính là Thai League 2, viết tắt là T2, như giải hạng nhất Việt Nam hiện nay. Giải đấu này trước đây có đến 18 đội, sau điều chỉnh xuống 12 đội, hiện nay đã tăng lên 16 đội. Kết thúc mùa giải 3 đội dẫn đầu của T2 sẽ giành quyền lên T1, các đội đứng cuối bảng xếp hạng sẽ phải xuống chơi ở giải Thai League 3 hay T3.
Sau T1 và T2, Thái League còn có giải T3 và T4. Tại giải T3, kiểu như giải hạng nhì Việt Nam, có khá nhiều CLB tranh tài, số đội tham dự cũng thay đổi nhiều lần trong những năm gần đây. Như năm 2017 có đến 32 đội đại diện trong các khu vực tham dự, đội nào dẫn đầu sẽ giành quyền lên hạng nhất T2, những đội đứng cuối phải xuống chơi tại T4 là giải hạng ba. Giải T4 hạng ba này cũng có rất nhiều đội tham dự, thi đấu theo từng khu vực, đội nào đứng đầu giành quyền lên chơi T3.
Cùng đó, Thái Lan còn có giải nghiệp dư (Thai Amateur League, viết tắt TA), giải bắt đầu từ năm 2017, cũng được chia theo khu vực thi đấu. Giải đấu này cũng có cúp vô địch và tiền thưởng dành cho đội dẫn đầu. Thái Lan hằng năm còn có nhiều giải đấu bóng đá khác như Cúp quốc gia (Thai FA Cup), có trận đấu giành “siêu cúp” giữa đội vô địch quốc gia T1 và đội vô địch Thai FA Cup; có giải trẻ quốc gia; có giải đấu quốc tế do Thái Lan tổ chức như Cúp Nhà vua, Cúp Hoàng hậu; có trận đấu bóng đá sinh viên truyền thống bắt đầu từ năm 1934 giữa 2 trường đại học nổi tiếng Thái Lan là Chulalongkorn và Thammasat tại sân vận động Suphachalasai đến nay vẫn còn duy trì.
•
TÌM LẠI VỊ THẾ CỦA MÌNH
Đến với AFF Cup lần này, Thái Lan có một đội hình rất mạnh, chủ yếu trong đó là các khuôn mặt trẻ nổi lên trong nước gần đây, tuy nhiên đội cũng có các khuôn mặt lớn tuổi làm trụ cột cho đội. Mục tiêu của đội bóng này là tìm lại vị thế từng dẫn đầu của mình tại AFF Cup một thời và đây sẽ là một đối thủ nặng ký để cạnh tranh danh hiệu vô địch với đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Tại bảng A của AFF Cup 2020 hiện nay, trước khi bài báo này lên khuôn, Thái Lan và Singapore đều có 3 trận thắng, đều được 9 điểm, trong đó nhờ hơn 1 bàn thắng nên Thái Lan xếp trên, cả 2 đội này đều đã lọt vào bán kết. Trong thứ Bảy (18/12) này, trận Myanmar gặp Philipines chỉ mang tính thủ tục thì trận Thái Lan gặp Singapore sẽ quyết định, đội nào thắng dẫn đầu bảng A.
VIẾT TRỌNG