Đưa đẩy gậy thành giải thể thao thi đấu hằng năm

05:10, 20/10/2022
Với thành công của Giải Đẩy gậy lần đầu tiên tổ chức trong Chương trình Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Lâm Đồng lần IX - năm 2022, ngành TDTT tỉnh dự kiến sắp đến sẽ đưa môn thể thao dân gian này thành một giải thi đấu chính thức cấp tỉnh hằng năm.
 
Một trận thi đấu của hạng cân trên 90 kg nam
Một trận thi đấu của hạng cân trên 90 kg nam
 
•  LẦN ĐẦU TIÊN TỔ CHỨC GIẢI CẤP TỈNH
 
Đây là lần đầu tiên Lâm Đồng tổ chức một giải cấp tỉnh khi đẩy gậy được đưa vào thi đấu chính thức trong Chương trình Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX - năm 2022.
 
Trước đó, môn thể thao có nguồn gốc từ trò chơi dân gian này đã từng được nhiều địa phương trong tỉnh chọn để tổ chức giải ở cấp xã, phường hay cấp huyện, thành trong chương trình Đại hội TDTT cấp cơ sở những năm gần đây.
 
Với mục tiêu giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian truyền thống, trong 15 môn thi đấu của Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần IX năm 2022, bên cạnh các môn bóng đá (bóng đá nam 11 người), bóng chuyền, thể dục thể hình, thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, việt dã, võ cổ truyền, karate, taekwondo, vovinam, còn có 3 môn được coi là gắn với các trò chơi dân gian truyền thống là cờ tướng, kéo co (nam, nữ) và đẩy gậy (nam, nữ).
 
Là trò chơi dân gian phổ biến, đẩy gậy thường được các cộng đồng dân cư từ người dân tộc thiểu số trên vùng cao đến người Kinh trong các làng xã miền xuôi tổ chức thi đấu vào các dịp lễ, tết, coi như một hoạt động vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Chỉ cần 1 cây gậy thẳng làm bằng tre già, hay là những thanh gỗ tốt và một mặt bằng đủ để vẽ thành một vòng tròn cho thi đấu với người dự khán đứng chung quanh. 2 người chơi bước vào vòng tròn, cố dùng sức đẩy đối thủ té ngã hay văng ra khỏi vòng tròn coi như thắng cuộc.
 
Đẩy gậy gần đây đã được chọn để đưa vào thi đấu chính thức trong các giải thể thao trong nước. Tất nhiên, để môn thể thao này vận hành trong các giải thể thao cần phải có những quy định cụ thể. Như về gậy đấu chẳng hạn, quy định làm bằng tre già, có chiều dài 2 m, đường kính từ 0,04 - 0,05 m để vận động viên (VĐV) dễ nắm được. Gậy được sơn 2 màu đỏ và trắng 2 bên để dễ phân biệt; đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân thi đấu vẫn là một ô tròn, có đường kính 5 m, có vạch giới hạn, có thể làm ngoài trời hoặc trong nhà, đủ độ sáng, mặt sân có thể là đất nện hoặc sân xi măng, đảm bảo không trơn. Để giữ nét truyền thống dân gian, giải có thể trang bị trống để làm hiệu lệnh thi đấu.
 
Vì là môn thể thao mang tính truyền thống nên luật chơi khá đơn giản, chỉ cần dùng sức đẩy đối thủ văng ra khỏi vòng tròn là được. Mỗi trận đấu diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp sẽ kết thúc khi một bên bị đẩy ngã, bị đẩy 2 chân chạm vạch hay văng ra khỏi vòng tròn, thắng 2 hiệp coi như thắng trận đấu. 
 
Để tổ chức giải đẩy gậy năm nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Lâm Đồng đã cho lắp 2 mặt sân gỗ theo chuẩn thi đấu quốc gia. Mặt sân gỗ theo ông Nguyễn Văn Tuyển - Giám đốc Trung tâm, giúp tạo sự an toàn cho người thi đấu, giảm thiểu trầy xước, chấn thương khi té ngã. Còn gậy thi đấu, Ban Tổ chức cũng chọn gậy tre chứ không phải gậy bằng gỗ cứng, vì tre đàn hồi và chịu lực tốt, đỡ gây nguy hiểm hơn cho VĐV so với gậy làm bằng gỗ cứng khi gãy có thể gây mất an toàn. 
 
Đội Đạ Huoai thi đấu xuất sắc tại giải
Đội Đạ Huoai thi đấu xuất sắc tại giải
 
•  ĐẠ HUOAI XUẤT SẮC 
 
Điểm nổi bật nhất của Giải Đẩy gậy Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần IX -2022 được tổ chức tại TP Đà Lạt trong giữa tháng 10/2022 năm nay chính là các đội tham dự rất đông, đến 13 đội của tất cả 12 huyện, thành trong tỉnh và Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng; số lượng các VĐV cũng rất đông, đến 170 VĐV, trong đó có 75 nữ. Giải tổ chức trong 8 hạng cân nữ từ 45 kg đến trên 75 kg, 9 hạng cân nam từ trên 50 đến trên 90 kg, tranh 17 bộ huy chương. Giải kéo dài 2 ngày, các VĐV phải đấu loại trực tiếp.
 
“Nhìn thì dễ nhưng không dễ thắng được người khác đâu”, ông Lê Văn Đông - huấn luyện viên đội tuyển đẩy gậy Đạ Huoai tươi cười giải thích. Theo ông Đông, để thắng cuộc, người chơi không chỉ có sức mạnh mà còn cần khéo léo, nắm được kỹ thuật thi đấu của bộ môn này. “Cần nắm rõ các kỹ thuật cơ bản của bộ môn như cách cầm gậy, tư thế trụ, cách thủ khi đối phương tấn công, những thời điểm thuận lợi để tấn công đối thủ”, ông Đông giải thích. 
 
Là giáo viên Giáo dục thể chất của Trường Trung học phổ thông Đạm Ri, Đạ Huoai, ông Đông đã huấn luyện cho rất nhiều học sinh của trường mình trong bộ môn đẩy gậy và kéo co để tham dự và từng giành rất nhiều huy chương từ Hội khỏe Phù Đổng các cấp, các giải thể thao học sinh trong tỉnh về cho trường. Nhiều học sinh trường ông cũng tham gia đội tuyển giành huy chương (HC) từ các giải thể thao học sinh trong nước trong đó có cả HC vàng về cho ngành Giáo dục Lâm Đồng. 
 
Gần đây, dù đã về hưu, thầy giáo Đông đã nhận lời huấn luyện cho đội tuyển kéo co và đẩy gậy của huyện Đạ Huoai và chính ông đã góp phần không nhỏ đưa Đạ Huoai thành một đoàn thi đấu cực kỳ xuất sắc trong cả 2 môn kéo co và đẩy gậy. Đội tuyển kéo co cả nam lẫn nữ của Đạ Huoai đều gây ấn tượng mạnh tại giải kéo co khi đội tuyển nam vào đến trận chung kết, giành HC Bạc của giải, còn đội kéo co nữ giành cúp vô địch và HC Vàng.
 
Riêng với giải đẩy gậy, gần 20 VĐV cả nam lẫn nữ của Đạ Huoai đều tiến rất sâu vào giải. Trong 9 hạng cân của đẩy gậy nam, Đạ Huoai đã vào đến trận chung kết 4 nội dung, giành được 1 HC Vàng và 3 HC Bạc. Còn trong 8 nội dung nữ, Đạ Huoai đã vào đến 6 trận chung kết, giành đươc 3 tấm HC Vàng, 3 HC Bạc. Đó là chưa kể số HC Đồng đoàn giành được. 
 
Cũng cần nói thêm rằng, các VĐV kéo co và đẩy gậy của đội Đạ Huoai được tuyển chọn từ khắp trong huyện, nhiều thành viên từng là học sinh của trường nhưng cũng có không ít trong đó là các nông dân, người dân tộc thiểu số trong vùng sâu. Cả 2 đội kéo co và đẩy gậy này đã tập trung tập luyện hơn 2 tháng, mỗi tuần tập 3 buổi dưới sự huấn luyện của thầy giáo Lê Văn Đông mới có được kết quả này.
 
Bên cạnh Đạ Huoai cũng có các đội thi đấu rất nổi bật tại Giải Đẩy gậy năm nay như đội Đà Lạt, Bảo Lộc, Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng… Tất cả đã tạo nên các trận đấu đầy sức cạnh tranh và cực kỳ hấp dẫn.
 
Riêng trong đội hình Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng thi đấu tại giải có rất nhiều thành viên là học sinh cùng giáo viên của Trường Trung học Phổ thông Đạm Ri - đây là những VĐV đã được thầy giáo Lê Văn Đông trực tiếp huấn luyện trước khi về hưu.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tuyển - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Lâm Đồng, qua kết quả Giải Đẩy gậy Đại hội TDTT năm nay, tỉnh sẽ chọn lựa một số VĐV xuất sắc để tập luyện, thi đấu tại giải Đại hội TDTT toàn quốc sắp đến. Dự kiến trong năm đến, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Giải Đẩy gậy cấp tỉnh.
 
VIẾT TRỌNG