Chất lượng các giải thể thao ngày càng được nâng cao

05:11, 03/11/2022
Bắt đầu từ đầu tháng 10/2021 và vừa kết thúc trong cuối tháng 10/2022, Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) các cấp tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX năm 2022 kéo dài trong hơn 1 năm từ cấp xã, phường, cấp huyện, thành đến cấp tỉnh. Điểm nổi bật của kỳ Đại hội này là chất lượng các giải thể thao từ cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng được nâng cao, nhất là ở các giải cấp tỉnh.
 
Đồng diễn xếp hình tại lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần IX-2022
Đồng diễn xếp hình tại lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần IX-2022
 
•  ĐÀ LẠT DẪN ĐẦU HUY CHƯƠNG 
 
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, hầu hết các huyện, thành phố cùng các ngành trong tỉnh đã tham gia tốt các nội dung thi đấu cùng Lễ khai mạc Đại hội TDTT cấp tỉnh. Trong đó, Lễ khai mạc Đại hội đã có trên 10 nghìn người tham gia diễu hành, biểu dương lực lượng, đồng diễn thể dục. 
 
Riêng các giải thể thao, có 15 môn với 18 nội dung thi đấu tại Đại hội cấp tỉnh năm nay, được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 10/2022, bao gồm bóng đá nam 11 người, bóng bàn, bóng chuyền (nam, nữ), thể dục thể hình, cầu lông, quần vợt, Karatedo, Taekwondo, thể dục dưỡng sinh, Vovinam, cờ tướng, võ cổ truyền, việt dã, đẩy gậy (nam, nữ) và kéo co (nam, nữ); đa số các đoàn tham dự đều chấp hành tốt điều lệ giải và quy định của Ban Tổ chức.
 
Tổng cộng đã có 2.185 vận động viên (VĐV), trong đó có trên 650 VĐV nữ tranh tài tại các giải cấp tỉnh với 168 bộ huy chương (HC) các loại được trao, nhiều hơn Đại hội TDTT lần thứ VIII năm 2018 đến 38 bộ HC. Đông VĐV nhất là đoàn Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng với 228 VĐV được cử tranh tài; đoàn Bảo Lộc với 215 VĐV, đoàn Đà Lạt có 212 VĐV, hầu hết các huyện, thành còn lại đều trên dưới 100 VĐV, duy nhất có Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ cử 8 VĐV tham dự (thi đấu trong một 1 môn duy nhất là bóng chuyền). 
 
Về số môn tham gia, các huyện, thành, ngành tham dự tích cực nhất gồm Bảo Lộc và Đà Lạt với 14 môn; Bảo Lâm và Di Linh với 13 môn; ngành Giáo dục - Đào tạo, Đức Trọng, Đam Rông và Lâm Hà với 12 môn. Nhiều môn tại Đại hội có đông VĐV tham gia chứng tỏ phong trào TDTT ngày càng phát triển tại các địa phương, đơn vị, như bóng đá (với 308 VĐV), kéo co (223 VĐV), bóng chuyền (199 VĐV), cầu lông (197 VĐV), môn đẩy gậy (158 VĐV). 
 
Kết thúc Đại hội, Đà Lạt đã xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn với tổng cộng 91 HC giành được, trong đó có 38 vàng, 33 bạc và 20 đồng. Đứng nhì toàn đoàn là Bảo Lộc với 96 HC giành được, nhiều hơn số HC của Đà Lạt, tuy nhiên trong đó chỉ có 30 vàng, còn lại là 23 bạc và 43 đồng. Đơn vị đứng thứ 3 toàn đoàn là Di Linh với 63 HC, trong đó có 23 vàng 14 bạc và 26 đồng. 
 
Đáng tiếc nhất trong bảng xếp hạng này là đoàn của ngành Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng. Dù thi đấu rất nỗ lực, giành được 81 HC nhưng chỉ có 22 vàng (còn lại là 29 bạc và 30 đồng), thua đoàn Di Linh đúng 1 tấm HC vàng nên phải xếp hạng thứ 4. 
 
Xếp vị trí từ thứ 5 đến thứ 14 là Lâm Hà (55 HC gồm 16 vàng, 20 bạc, 19 đồng); Đức Trọng (60 HC gồm 14 vàng, 12 bạc và 34 đồng); Đạ Huoai (37 HC gồm 8 vàng, 14 bạc và 15 đồng); Đạ Tẻh (19 HC gồm 8 vàng, 4 bạc, 7 đồng); Bảo Lâm (39 HC gồm 4 vàng, 89 bạc và 26 đồng); Cát Tiên (20 HC gồm 1 vàng, 4 bạc, 15 đồng); Đơn Dương (20 HC gồm 1 vàng, 2 bạc, 17 đồng); Công an tỉnh (17 HC, gồm 1 vàng, 2 bạc, 14 đồng); Lạc Dương (9 HC gồm 1 vàng, 2 bạc, 6 đồng); Đam Rông (11 HC gồm 1 vàng, 10 đồng). 
 
Đơn vị đứng cuối cùng trong vị trí thứ 15 của bảng xếp hạng là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, không giành được 1 tấm HC nào tại Đại hội. 
 
•  HƯỚNG ĐẾN CHU KỲ 4 NĂM ĐẾN 
 
Góp phần cho sự thành công của Đại hội năm nay chính là sự phối hợp rất tốt giữa các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh trong công tác tổ chức các môn thi đấu cũng như tổ chức Lễ khai mạc. Không chỉ số lượng VĐV của các đoàn tham gia các môn đều tăng, chất lượng chuyên môn các giải thể thao của Đại hội cũng đã nâng lên một bước, hướng đến tính chuyên nghiệp hóa. Qua thi đấu đã xuất hiện không ít các khuôn mặt triển vọng để ngành Thể thao tỉnh tuyển chọn, thành lập các đội tuyển đại diện tỉnh thi đấu tại các giải quốc gia. 
 
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng đánh giá cao các địa phương làm tốt công tác đăng cai tổ chức các môn thi đấu trong khuôn khổ Đại hội như Bảo Lộc, Đà Lạt, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh. Ban Tổ chức Đại hội, Ban Tổ chức từng môn thi đấu, trọng tài cùng lực lượng làm nhiệm vụ khác trong Đại hội cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự thành công chung của Đại hội.
 
Một điều ghi nhận khác là về xây dựng cơ sở vật chất phục vụ TDTT. Để chuẩn bị cho Đại hội TDTT các cấp, cùng với việc sử dụng các cơ sở sẵn có, đã có 3 cơ sở được xây dựng mới, 23 cơ sở được tu sửa, cải tạo nâng cấp trong tỉnh. Một số huyện, thành phố đến nay đã có các khu liên hợp thể thao, nhà thi đấu đa năng như Đơn Dương, Di Linh, Cát Tiên, vừa phục vụ Đại hội nhưng cái chính là phục vụ cho nhu cầu tập luyện, thi đấu của người dân, phát triển phong trào TDTT tại địa phương. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương như đánh giá, chuẩn bị tổ chức Đại hội chưa thực sự chu đáo, quy mô tổ chức đại hội nói chung và lễ khai mạc đại hội cấp huyện, thành nói riêng chưa tương xứng với điều kiện và vị thế của địa phương. Một số huyện dù có khả năng nhưng tham gia các môn thi đấu còn ít, chưa chuẩn bị tốt nên chất lượng chuyên môn chưa cao. Kinh phí tổ chức đại hội TDTT cấp cơ sở nhiều địa phương còn rất hạn chế, chủ yếu được phân bổ từ ngân sách nhà nước, công tác vận động tài trợ gặp nhiều khó khăn, việc huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa cũng chưa nhiều.
 
Kết thúc Đại hội, Sở trong dịp này đã đề nghị các đơn vị, địa phương cần chủ động đánh giá những mặt đạt được cùng những tồn tại hạn chế, qua đó kịp thời đề ra những giải pháp phát triển TDTT của đơn vị, địa phương mình trong thời gian tới. Cần tiếp tục chăm lo đến sự nghiệp TDTT ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn, gắn kết với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện nay, cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030; đưa thể thao đến với tất cả mọi người dân đặc biệt là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
 
Cùng với việc nâng cao chất lượng các giải thể thao quần chúng, từ cơ sở đến cấp tỉnh, Sở trong thời gian đến cho biết sẽ củng cố các hội, liên đoàn thể thao để phát huy tốt công tác xã hội hóa TDTT; chú trọng phát triển các môn thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, đa dạng các sản phẩm thể thao, gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch; tích cực đăng cai, phối hợp tổ chức tốt các sự kiện thể thao khu vực, quốc gia, quốc tế; qua đó xây dựng phong trào và nâng cao thành tích thể thao của tỉnh, thu hút nhiều VĐV, khán giả trong và ngoài nước đến thi đấu và cổ vũ, thụ hưởng các sản phẩm du lịch góp phần phát triển kinh tế địa phương.
 
Trong dịp này Sở cũng đề nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần sớm triển khai các hạng mục tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Phường 7, Đà Lạt; đồng thời cho ban hành Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 và những năm tiếp theo để các ngành, địa phương có cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển TDTT tại đơn vị, địa phương mình.
 
VIẾT TRỌNG