Anh K’ Tỷ (22 tuổi) là một trong những gương thanh niên trẻ tiêu biểu, nghị lực, vượt khó để phát triển kinh tế gia đình ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh. Anh không chỉ là đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi mà còn gương mẫu trong tuyên truyền, vận động thanh niên, gia đình tham gia tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cây cà chua đã giúp gia đình anh K’Tỷ có thêm thu nhập ổn định |
Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, là người con trai út và cũng là lao động chính của gia đình, nên anh K’Tỷ đã sớm nhận thức và thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn mà gia đình gặp phải, mẹ đã lớn tuổi, bố bị bệnh không còn khả năng lao động, mọi gánh nặng trong gia đình đều đè lên vai anh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng với nghị lực vượt khó, đức tính cần cù, ham học hỏi, chí thú làm ăn nên nhiều năm nay, kinh tế gia đình anh K’Tỷ đã từng bước phát triển ổn định và vươn lên thuộc nhóm các gia đình có điều kiện kinh tế khá của xã.
Anh K’Tỷ bày tỏ, trước đây do trình độ dân trí và điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, nên gia đình anh cũng như bao bà con trong xã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ; tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ nông cụ, vật tư phân bón, cây, con giống... cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nên cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng khá giả.
“Là thế hệ trẻ chưa có kinh nghiệm làm kinh tế, nên thời gian đầu, tôi tự tìm tòi, học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước trong việc đầu tư cải tạo, thâm canh cây cà phê để áp dụng vào vườn nhà. Nhờ vậy, vườn cà phê của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt hơn và cho năng suất cao hơn nhiều so với những năm trước đây” - anh K’Tỷ phấn khởi nói.
Từ 2 ha cà phê của gia đình, nhờ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quy trình chăm sóc, nên bình quân sản lượng cà phê của gia đình đạt 8 tấn nhân/năm. Với giá thị trường cà phê có xu hướng tăng cao hơn so với vài năm trước, dao động 40.000 ngàn đồng/kg thì với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm là khá ổn định. Với sự năng động, nhiệt huyết, anh K’Tỷ tiếp tục tìm hiểu mô hình trồng cây cà chua, tích cực tham gia các buổi hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây cà chua tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng do xã và nhóm tổ chức.
Anh K’Tỷ chia sẻ: “Trồng lagim, cụ thể cây cà chua là cây ngắn ngày, thời gian sinh trưởng ngắn và có nguồn thu nhanh hơn so với cây cà phê, nếu giá thị trường ổn định thì đây được xem là cây trồng mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Sau khi đi tham quan học tập một số mô hình trồng cây cà chua tại huyện Đơn Dương, đầu năm 2022, tôi đã bắt tay trồng lứa đầu tiên”.
Là người đã từng trồng cây ớt, trồng đậu, nên khi trồng cây cà chua, anh K’Tỷ cũng có những thuận lợi nhất định trong khâu trồng và chăm sóc. Sau vụ thu hoạch đầu tiên bán với giá trên 10.000 đồng/kg, anh K’Tỷ thu lãi được 50 triệu đồng/sào. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại từ cây trồng này, anh K’Tỷ đã thuê thêm 3 sào đất của bà con trong vùng để mở rộng diện tích canh tác lên 4 sào. Với 4 sào đất và hiện chỉ trồng 2 vụ/năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên dưới 400 triệu đồng/năm. Từ khi thực hiện mô hình trồng cây cà chua, gia đình anh K’Tỷ đã có thêm khoản thu nhập đáng kể, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và tái đầu tư trong phát triển kinh tế gia đình.
Ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho hay: “Anh K’Tỷ là một trong những tấm gương điển hình thanh niên trẻ vượt khó trong phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài canh tác cà phê là cây trồng chủ lực, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để thực hiện mô hình trồng cây rau màu, đem lại thu nhập ổn định, góp phần lan tỏa tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm cho đoàn viên thanh niên dân tộc bản địa cũng như bà con trong vùng”.
Học hỏi anh K’Tỷ, đến nay đã có 3 thanh niên và 7 hộ dân ở Thôn 1, xã Đinh Trang Thượng mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém sang trồng cây cà chua. Có thể thấy, ngoài mô hình phát triển trồng dâu, nuôi tằm thì cây cà chua cũng là mô hình sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho đồng bào dân tộc bản địa ở xã vùng căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin