Lâm Hà mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

C.THÀNH 06:12, 29/09/2023

Hiệu quả từ thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Lâm Hà thời gian qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước đang được chú trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP.

Ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các doanh nghiệp tại Lâm Hà 
đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 tới 4 sao
Ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các doanh nghiệp tại Lâm Hà đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 tới 4 sao

Theo UBND huyện Lâm Hà đến nay, địa phương đã phát triển được vùng trồng cà phê với diện tích 39.482 ha; dâu tằm 3.620 ha; cây chè 160,6 ha; hạt tiêu 365,2 ha; cây ăn quả 2.719 ha; hoa, cây cảnh 400 ha… Bên cạnh đó, huyện cũng phát triển được đàn bò 7.400 con, đàn lợn 95.000 con và khoảng 1,5 triệu con gia cầm. Địa phương hiện có 16 chuỗi liên kết và nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Lâm Hà đã phát triển được 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Theo đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. 

Nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, địa phương đã vào cuộc tích cực với các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các địa phương trong cả nước. Đáng chú ý vào trung tuần tháng 9 vừa qua, đoàn công tác của huyện Lâm Hà dẫn đầu là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Sơn và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hoàng đã có chuyến thăm, làm việc tại nhiều sở, ngành, địa phương tại địa bàn TP Hà Nội để kết nối, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của địa phương.

Tại thị trường tiềm năng như TP Hà Nội, hiện Lâm Hà đã có 18 sản phẩm, trong đó một số sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện ích tại Hà Nội thông qua chuỗi liên kết giữa Hà Nội - Lâm Đồng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương cũng đang được quảng bá trên các kênh thương mại điện tử của thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá hiệu quả mang lại chưa đạt kỳ vọng, số lượng sản phẩm tiêu thụ còn ở mức hạn chế.

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết bước đầu, trong chuyến công tác nêu trên, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với huyện Lâm Hà sắp tới sẽ đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện một cách cụ thể, có tính chiến lược, hiệu quả. Trong đó đáng chú ý, Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh sẽ phối hợp với huyện Lâm Hà giới thiệu, kết nối đối với các sản phẩm của huyện đạt chất lượng tốt, mẫu mã sản phẩm đẹp và có giá cả hợp lý thông qua 87 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại địa bàn các quận/huyện; trên 1.000 cửa hàng tiện lợi, trên 100 chuỗi tiêu thụ sản phẩm cũng như các hệ thống siêu thị và các hội chợ, sự kiện quảng bá trên địa bàn Hà Nội.

Về lâu dài, một số sở, ngành, địa phương TP Hà Nội qua làm việc với đoàn công tác của huyện Lâm Hà thống nhất, để đạt hiệu quả cao trong việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của huyện thì phải có chiến lược, chương trình toàn diện, sâu rộng, chi tiết giữa hai bên, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa chính quyền, doanh nghiệp, người nông dân để hoạt động tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đạt hiệu quả cao nhất.

Để sản phẩm OCOP của huyện có thể tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa, UBND huyện Lâm Hà cho biết, đang chú trọng vào việc phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng. Cùng với đó, địa phương tập trung vào khâu đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số, đưa thêm các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại nhiều hơn… Qua đó, góp phần ngày càng nâng tầm cho sản phẩm OCOP của Lâm Hà ở các thị trường tiềm năng.