(LĐ online) - Những năm gần đây, sự phát triển nhanh của ứng dụng năng lượng nguyên tử đã mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Riêng ở Lâm Đồng, nơi có lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam, kỹ thuật hạt nhân và bức xạ ngày càng được ứng dụng rộng rãi.
![]() |
Việc diễn tập là dịp tập dượt sử dụng thành thục các phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra |
Bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại, các ứng dụng bức xạ và hạt nhân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, sự cố về mất an toàn, an ninh, có thể gây tác hại đến con người, môi trường sống như sự cố mất nguồn phóng xạ; vận chuyển nguồn, dược chất phóng xạ; chiếu xạ quá liều, nhiễm bẩn phóng xạ tại các bệnh viện có ứng dụng y học hạt nhân sử dụng thuốc phóng xạ (I-131); rò rỉ nguồn phóng xạ... Vì vậy, thời gian qua, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng và đơn vị thường trực của Ban là Sở Khoa học và Công nghệ đã luôn sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.
3 năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn bức xạ hạt nhân được đẩy mạnh. Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã thiết kế, in ấn, phát hành 4000 tờ rơi hướng dẫn quy trình ứng phó sự cố, cấp phát cho các tổ chức, đơn vị có thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và các hộ dân cư sinh sống gần cơ sở. Tổ chức 3 lớp tập huấn và các khóa bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và cập nhật thông tin về an toàn bức xạ hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ cho nhân viên phụ trách an toàn bức xạ; tập huấn kiến thức ứng phó sự cố cho 320 lượt tổ chức cá nhân đang lưu giữ nguồn phóng xạ.
Công tác quản lý nhà nước về ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân không ngừng được tăng cường. Đã tiếp nhận thẩm định hồ sơ cấp phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và quản lý 243 giấy phép sử dụng 169 thiết bị X-quang cho hơn 80 cơ sở, tổ chức tiến hành công việc bức xạ. Hiện nay, 5 cơ sở xin ngừng hoạt động nên toàn tỉnh còn 75 cơ sở, tổ chức được cấp phép tiến hành công việc bức xạ. Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành kiểm kê nguồn phóng xạ thiết bị bức xạ; đồng thời đánh giá nguy cơ sự cố. Trong 3 năm qua đã kiểm kê định kỳ tại 9 cơ sở sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.131 nguồn phóng xạ (chiếm 20,9% nguồn phóng xạ của cả nước); trong đó có 243 nguồn đang sử dụng và 888 nguồn đang lưu giữ. 14 thiết bị bức xạ phát tia X đang sử dụng tại 6 cơ sở.
![]() |
Nội dung diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân đặt ra sát với tình hình thực tiễn |
Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo tổ chức thành công Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân với chuyên đề “Ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ tại lò phản ứng hạt nhân” tại Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung kịch bản đưa ra tình huống sát với thực tiễn; buổi diễn tập đã diễn ra nghiêm túc, đúng tuần tự, quy trình xử lý; các lực lượng nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đã thành thạo sử dụng các trang thiết bị, kỹ năng ứng cứu; khả năng chỉ huy của Ban Chỉ huy, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành liên quan… Từ đó, sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất về thiệt hại con người, tài sản, thảm họa môi trường khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
Ngoài những thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẵn có của Viện Nghiên cứu hạt nhân, Ban Chỉ huy đã mua sắm bổ sung một số trang thiết bị còn thiếu phục vụ hoạt động ứng phó, gồm: 2 máy đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt, 1 máy đo liều cao cầm tay, 3 máy đo tia X cầm tay, 2 máy tính xử lý, 5 bộ đàm liên lạc, xe đẩy nguồn; tổng kinh phí đầu tư là 1,17 tỷ đồng.
![]() |
Diễn tập đảm bảo trình tự, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp khi có sự cố xảy ra |
Trong 3 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện 19 cuộc thanh tra đối với 56 tổ chức, cá nhân và 3 cuộc kiểm tra đối với 24 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Hầu hết các cơ sở, tổ chức sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xã đều chấp hành nghiêm túc đầy đủ các quy định của pháp luật về: giấy phép hoạt động; chứng chỉ nhân viên phụ trách an toàn bức xạ, liều kế cá nhân, hồ sơ theo dõi sức khỏe của nhân viên bức xạ; sổ kiểm kê nguồn phóng xạ; nội quy an toàn bức xạ; quy trình sử dụng và vận hành nguồn phóng xạ, sổ theo dõi vận hành; biển báo bức xạ, đèn cảnh báo; theo dõi kiểm xạ định kỳ… Qua đó, đã kịp thời phát hiện và xử lý 4 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, xử phạt tổng số tiền 21 triệu đồng.
Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, không để xảy ra sự cố; vừa phải ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào đời sống với mục đích cao hơn, yêu cầu lớn hơn. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn bức xạ hạt nhân và các mô hình ứng dụng bức xạ hạt nhân trong nông nghiệp, trong y tế, trong sản xuất, đời sống để mọi người biết được đóng góp của kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế - xã hội nhằm ứng dụng rộng rãi hơn.
Tổ chức nhiều lớp tập huấn để phổ biến các thông tin về an toàn bức xạ hạt nhân, về biện pháp giảm thiểu carbon; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm kê, đánh giá cụ thể có bao nhiêu nguồn phóng xạ an toàn tuyệt đối, bao nhiêu nguồn có nguy cơ xảy ra sự cố, số người phụ trách vận hành. Thu hút các dự án đầu tư dịch vụ chiếu xạ ngay vào Lâm Đồng để phục vụ cho xuất khẩu nông sản. Thực hiện các đề tài, dự án về đột biến giống cây trồng mang tính ứng dụng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; trong đó, chủ yếu tập trung vào giống hoa, cây ăn trái.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin