Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm kê trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Dương nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý, sưu tầm, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, nhận diện xác định các giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho.
Tạo môi trường để trang phục dân tộc phô diễn làm lan tỏa vẻ đẹp |
Sau 7 tháng, ngành đã điều tra trên thực địa, lập phiếu kiểm kê trang phục truyền thống tại 6 xã, thị trấn gồm: thị trấn Lạc Dương, xã Lát, Đưng K’nớ, Đạ Chais, xã Đạ Sar, Đạ Nhim; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dù địa bàn dân cư không tập trung, các nghệ nhân am hiểu nghề dệt đã lớn tuổi, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang ngày bị mai một, biến dạng, xa rời nguyên gốc; nhưng cuộc kiểm kê nhận được sự đồng thuận, cộng tác của đồng bào phối hợp trong việc thu thập thông tin, trả lời phiếu phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh làm dữ liệu nên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nghề dệt thổ cẩm ở Lạc Dương tập trung ở thị trấn Lạc Dương và các xã Đưng K’nớ, Lát, Đạ Sar, Đa Nhim, Đạ Chais,, các địa phương khác không có nghề dệt, trang phục truyền thống được đồng bào mua từ những xã có nghề dệt phát triển.
Theo các nghệ nhân, già làng, người K’Ho ngày xưa ăn mặc rất đơn giản, tất cả đều cởi trần, đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn, khi trời lạnh lấy các loại vỏ cây ngâm cho hết nhựa rồi phơi khô, khoét lỗ chui đầu làm áo. Nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc K’Ho không ai biết có từ bao giờ, chưa có tài liệu nghiên cứu dân tộc học nào đề cập tới. Qua thời gian, nghề dệt vải và may trang phục của người K’Ho từng rất phát triển. Nam giới K’Ho thường ở trần, đóng một chiếc khố khá rộng, dài từ 1,5 đến 2 m có hình hoa văn theo dải dọc. Khố được quấn vòng quanh bụng, luồn qua hai chân, hai đầu khố quấn qua phía trước và phía sau mông. Phụ nữ K’Ho ưa chuộng các bộ áo váy thổ cẩm, nên trang phục của phụ nữ trông rất đẹp mắt. Phụ nữ K’Ho thường quấn váy dài đến đầu gối để lộ bắp chân to khoẻ khoắn, còn từ phần thắt lưng trở lên để trần. Những khi trời lạnh, họ thường khoác lên mình một tấm thổ cẩm to dài quấn quanh vai và người. Sau này phụ nữ thường mặc những chiếc áo bó, chẽn, phù hợp với chiếc váy truyền thống.
Nghề dệt vải chỉ phụ nữ thực hiện, trong quá trình dệt họ vừa phối màu tỉ mỉ, khéo léo, vừa tác tạo những hình hoa văn độc đáo theo tưởng tượng của mình. Họa tiết trên thổ cẩm thường hình khối, các vật dụng, đời sống sinh hoạt, hình chim muông, thú rừng, cây cỏ sinh động gần gũi thể sự cảm nhận thế giới tự nhiên của người thợ vào những tấm vải dệt.
Thổ cẩm của người K’Ho có các hoa văn rất đặc trưng trên nền màu tối, màu trầm, đặc biệt là hai màu xanh và xanh đen được ưa chuộng. Trên một khổ vải (rộng 1,2 m theo khung dệt), phụ nữ K’Ho thường tạo hai dải hoa văn hai bên mép vải. Người dệt tự tạo bố cục, cách sắp xếp sợi ngang và sợi dọc; họ tự suy tính bao nhiêu sợi màu này, bao nhiêu sợi màu kia, sắp xếp hợp lý để tạo ra được các hoa văn theo đúng ý đồ sáng tạo của mình.
Buôn B’Nớ C (nay là thôn Đăng Gia Dệt) là nơi sinh sống lâu đời của người Lạch (một nhánh của dân tộc K’Ho) là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm. Từ xưa, phụ nữ trong buôn ai cũng biết dệt thổ cẩm, nghề dệt phát triển, sản phẩm làm ra trở thành hàng hóa trao đổi với nhiều buôn làng trong vùng. Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu của đồng bào K’Ho là các tấm ùi, có đủ loại kích cỡ (dài 1,2 - 1,5 m; rộng 20 - 30 cm) tùy theo công dụng để làm váy áo mặc trong các dịp lễ hội, chăn đắp hay vải để địu con. Cả buôn hiện có hơn 70 hộ tham gia dệt thổ cẩm. Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được công nhận và phát triển, thổ cẩm trở thành hàng hóa có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Nhờ vậy, nhiều giá trị văn hóa đã được khôi phục lại và hồi sinh trong chính cộng đồng dân cư nơi đã sản sinh ra nó: trang phục dân tộc, ẩm thực, nghề truyền thống, các phong tục tập quán...
Tại xã Đưng K’nớ, hầu như tất cả phụ nữ đều biết dệt. Năm 2019, nghệ nhân Bon Niêng K’Glòng (sinh năm 1945 tại Thôn 1, xã Đưng K’nớ) được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” với loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ là “Tri thức dân gian” (nghề dệt). Tuy nhiên, đời sống phát triển, đồng bào có thể lựa chọn nhiều loại trang phục may sẵn, tiện dụng, mau khô, thay vì bỏ công sức trồng bông, trồng đay, dệt vải, may thêu quần áo. Trang phục truyền thống chỉ được mặc trong các dịp lễ trọng đại, ngày hội. Nghề dệt đang dần bị mai một. Để bảo tồn trang phục truyền thống thì phải bảo tồn nghề dệt, các đối tượng được hỏi đa phần cho biết cần tuyên truyền là chính, một số khác rất ít thì cho rằng cần phục hồi nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, gắn kết với các Chương trình như Nông thôn mới, gắn kết phát triển du lịch, mở các lớp truyền dạy nghề dệt cho phụ nữ...
Tại 3 xã Đa Nhim, Đạ Chais và Đạ Sar, trước kia trang phục truyền thống đồng bào sử dụng được mua chủ yếu ở những xã lân cận. Hiện nay, phụ nữ ở đây vẫn sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày, nam giới chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội của buôn làng. Năm 2015, tổ chức Jica đã tài trợ cho việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, xã Đạ Nhim có 8 phụ nữ được tham gia chương trình này. Kết quả, hiện có 7 người trong chương trình truyền dạy này còn nắm giữ các kỹ năng, hiểu biết cách thức dệt. Ngoài trang phục truyền thống thì họ còn dệt thêm túi, cặp đeo chéo làm quà lưu niệm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người đã không còn mặn mà đối với việc lưu giữ các trang phục truyền thống cũng như giá trị của nghề dệt.
Bên cạnh nghề dệt, các tri thức dân gian liên quan đến trang phục truyền thống vẫn còn được lưu truyền như: Trong quá trình dệt người thợ dệt đã rút ra những bài học để truyền lại cho con cháu bằng văn vần dân gian ngắn gọn, súc tích. Chẳng hạn, người K’Ho Cil nhắc nhở con cháu quy trình dệt vải bằng câu: rồi - riă - tiăh - tành, nghĩa là kéo chỉ - vào thoi - kết hai đầu khổ dệt - tiến hành dệt.
Nghệ nhân Ưu tú Bon Niêng K’Glòng và nghệ nhân K’Tuyn (Đưng K’nớ) vẫn miệt mài hàng ngày bên tấm dệt, cho biết, quy trình dệt vải được gói gọn trong 4 từ rồi - riă - tiăh - tành, nhưng để thực hiện chu trình đó cần một thời gian dài và bao gồm rất nhiều chi tiết tỉ mỉ.
Cuộc kiểm kê cho thấy, nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một, các nghệ nhân lão luyện, am hiểu nghề như Bon Niêng K’Glòng, K’Tuyn không còn nhiều và đang ngày càng ít dần đi. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn thì trang phục dân tộc còn. Bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là một vấn đề hết sức cấp thiết và phải đi đôi với bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Không chỉ là bảo tồn cách thức dệt, mà còn bảo tồn những hoa văn, họa tiết, màu sắc, kiểu dáng của các loại trang phục váy áo thổ cẩm.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cơ chế, chính sách, cần tạo ra môi trường để trang phục truyền thống được phô diễn, lan tỏa vẻ đẹp như: tổ chức trình diễn trang phục dân tộc, tôn vinh các nghệ nhân, đưa vào nhà trường quy định đồng phục cho học sinh dân tộc nội trú, tổ chức các ngày hội, liên hoan, lễ hội thổ cẩm. Qua đó, đồng bào K’Ho - Lạc Dương thấy được giá trị của bộ trang phục mình đang mặc, thêm yêu quý, trân trọng, ra sức gìn giữ, bảo tồn, làm cho trang phục truyền thống ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống thường ngày.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin