Diện tích rừng Lâm Đồng rất lớn, đồng nghĩa với việc trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng càng cao. Lực lượng bảo vệ rừng không thể lội hết trong những cánh rừng bạt ngàn, thay vào đó, họ chỉ cần “bước vào thế giới công nghệ” để giám sát “đời sống” của rừng trước nguy cơ xâm hại.
Độ che phủ rừng của Lâm Đồng luôn đạt tỷ lệ cao |
• BƯỚC VÀO THẾ GIỚI CÔNG NGHỆ
Theo chân cán bộ kiểm lâm vào rừng Quốc gia Bidoup - Núi Bà trong một chuyến tuần tra, thay vì di chuyển mất nhiều tiếng đồng hồ như trước đây, chúng tôi chỉ mất 45 phút đi từ Trạm Bidoup lên đến rừng Pơmu 1.000 năm tuổi, nhờ có bản đồ số và định vị GPS trên ứng dụng điện thoại. Trên đường đi, tổ công tác vừa thực hiện tuần tra rừng bằng GPS, tổ khác sử dụng thiết bị flycam bay lên để quan sát rừng… Ông Vàng Đình Hoàng - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng vừa đi vừa điều khiển thiết bị flycam. Ông cho biết, các thiết bị flycam có thể bay cao 500 m, bán kính quan sát tầm 6 km, giúp lực lượng kiểm lâm quan sát bao quát góc rộng từ trên cao, đặc biệt là ở những khu vực rừng có địa hình đồi núi hiểm trở.
Ông Nông Phúc Anh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bidoup (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà) cũng đang thao tác truy cập vào phần mềm hệ thống theo dõi diễn biến rừng (FMS) để theo dõi các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Sau gần nửa giờ tuần tra, kiểm tra rừng, kết hợp thông tin thực địa và chỉ số được báo từ ứng dụng trên điện thoại thông minh, ông đã có thể khoanh vùng một số điểm có dấu hiệu lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá rừng trái phép.
Ông Phúc Anh cho biết, Trạm Bidoup quản lý hơn 7 ngàn ha rừng nhưng chỉ có 3 kiểm lâm, nơi đây vẫn còn nhiều loại gỗ quý như lim, thông 2 lá dẹt, pơmu, du sam…, có những cây to, đường kính lên tới 1,5 - 2 m, nên đây là địa điểm mà nhiều “lâm tặc” lăm le đến phá rừng, khai thác gỗ. Nhờ sử dụng thiết bị flycam, số hóa bản đồ, ứng dụng hệ thống định vị GPS và các phần mềm như MapInfo, FME Desktop, Global Mapper, đơn vị đã nhanh chóng xác định các diễn biến bất thường của rừng, cũng như vị trí bị khai thác. Nhờ vậy, tiết kiệm được thời gian, công sức để có thể triển khai lực lượng bảo vệ rừng kịp thời và hiệu quả.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trên toàn quốc, năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 54,6%, đứng thứ 15 toàn quốc và đứng thứ 2 trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Có được con số đó, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, người dân và chính quyền địa phương. Ông Võ Thanh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả cao, hiện, tất cả các đơn vị kiểm lâm và chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã được trang bị nhiều thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh như flycam và phần mềm có tính năng hiện đại như MapInfo, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính bảng có cài đặt ứng dụng Frms Mobile Litchi… và các phần mềm chuyên ngành để xác minh, thu thập thông tin liên quan đến rừng. Bên cạnh đó, thông qua dữ liệu ở các điểm nghi ngờ thay đổi diện tích từ ảnh vệ tinh tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cán bộ của đơn vị đã thông báo kịp thời cho kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác minh. Những hình ảnh, số liệu qua vệ tinh liên tục gửi về máy chủ đã giúp phân định vùng trọng điểm cháy rừng, phá rừng; xác định chính xác vùng rừng có nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, đưa các giải pháp bảo vệ hiệu quả.
Ông Vàng Đình Hoàng - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, sử dụng flycam để quan sát rừng |
• CÔNG NGHỆ GIÚP GIẢM ĐƯỢC SỨC NGƯỜI
Ông Lê Văn Chuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương cho biết, những năm trước, công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn sớm các vụ phá rừng luôn là nỗi lo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng. Bởi lẽ, việc huy động lực lượng túc trực và thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn sớm các vụ phá rừng, cháy rừng rất khó khăn, gian khổ; năng suất tuần tra không cao, một ngày chỉ đi được một khu vực nhỏ. Lý do công tác này thường thực hiện tại khu vực có địa hình hiểm trở phải đi bộ, phải trèo đèo, lội suối để đến trực tiếp những vùng rừng có nguy cơ bị tác động để kiểm tra thực tế. Thế nhưng, hiện nay, đã có các phần mềm bổ trợ như GPS, GiS, flycam, camera tầm cao được kết nối với Trung tâm Điều hành IOC của huyện để thu thập dữ liệu và theo dõi các diễn biến, trạng thái rừng. Trước khi đến hiện trường, lực lượng kiểm lâm sẽ bật máy tính, điện thoại và truy cập các phần mềm, máy sẽ cho thông tin về vị trí, diện tích biến động hiển thị trên màn hình. Có nguồn thông tin giúp lực lượng chức năng phát hiện cháy rừng, hoặc hành vi san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp… Để chứng minh lời mình nói, ông Chuyên giở bản đồ và phần mềm ra cho tôi xem, đây là diễn biến trên 1.000 ha rừng có thay đổi trên địa bàn huyện Lạc Dương quản lý thời gian gần đây. Cùng với đó, nhờ hệ thống cảnh báo cháy, đơn vị cũng đã cảnh báo sớm 50 điểm cháy, nhờ đó, năm 2022 không thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ở rừng Lâm Đồng vẫn còn nhiều loại gỗ quý như pơmu, du sam, … |
Ông Phạm Quang Hải - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đơn vị được giao quản lý là gần 70.000 ha. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã cài đặt phần mềm chuyên dụng (Smart) để giám sát việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và phân tích trạng thái rừng. Trong đó, sử dụng ảnh vệ tinh qua Google Earth, ArcGIS Earth kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: Mapinfo, Dataloger, Smart để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Ghi nhận tuyến tuần tra qua các phần mềm traclokg, SMART,… từ những hình ảnh vệ tinh, số liệu diễn biến rừng trên phần mềm, đơn vị có thể thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến rừng, việc tổng hợp số liệu cũng dễ dàng, nhanh chóng.
Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào công tác bảo vệ rừng đã góp phần giảm thiểu sức người trong bối cảnh lực lượng ngành Lâm nghiệp đang thiếu nhân lực. Nhờ đó, năm 2022, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn là 235 vụ, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Võ Thanh Sơn cho biết, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng tiếp tục thực hiện Đề án Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030, xây dựng và trình các cơ quan chức năng phê duyệt Dự án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030; trong đó, sẽ tiếp tục trang bị cho ngành Lâm nghiệp và đặc biệt là lực lượng kiểm lâm trang thiết bị, máy móc, phương tiện và phần mềm hiện đại, để từ đó, giữ những cánh rừng Lâm Đồng mãi xanh.
Hiện nay, lực lượng kiểm lâm đang thiếu nhân lực, mỗi cán bộ phải gồng gánh quản lý cả nghìn ha rừng. Việc chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, tiên tiến đã góp phần giảm tải đáng kể cho lực lượng QLBVR. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin