Sau Tết Nguyên đán là đến mùa lễ hội; đây là hoạt động có tính cộng đồng cao, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Song, những năm gần đây, một số lễ hội đã gây bức xúc dư luận bởi phát sinh những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa. Nguyên nhân chính là lòng tham và niềm tin u muội; gốc rễ của hiện tượng này là sự nhập nhằng, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan (MTDĐ)…
Biểu diễn cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ hội văn hóa ở Lâm Đồng |
Trước nay, đã có nhiều quan niệm về tín ngưỡng; song, khái niệm có tính khái quát nhất cho rằng, tín ngưỡng là niềm tin có hệ thống mà con người tin vào để giải thích thế giới mong mang lại sự bình yên cho bản thân và mọi người. Tín ngưỡng còn thể hiện giá trị, ý nghĩa của cuộc sống bền vững và đôi khi được hiểu là tôn giáo.
Với đặc điểm về lịch sử và văn hóa, tín ngưỡng của người Việt mang tính dân tộc, dân gian. Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát nhất của người Việt. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành tập tục truyền thống, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế, xã hội, tư tưởng khá bền vững.
Nghi thức tế tự trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gồm ba bộ phận: Tế tự tại gia đình, tế tự tại làng, xã và tế tự quốc gia. Các thế hệ người Việt luôn tôn thờ công đức của cha ông, tộc họ; đồng thời, tôn thờ những người có công với làng, với dân, với nước. Khi Giỗ tổ Hùng Vương được đưa vào Quốc lễ đã trở thành ngày giỗ quan trọng nhất của người Việt Nam.
Với người Việt, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các bậc cao, tằng, tổ, khảo… là đạo lý được nối tiếp, gìn giữ có tính bền vững. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ gia đình, dòng họ đến quốc gia. Giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trừu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Còn MTDĐ, theo “Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng), thì “MTDĐ là một hiện tượng xã hội tiêu cực xuất hiện từ lâu và tồn tại đến ngày nay; đó là niềm tin một cách mù quáng vào những điều nhảm nhí, gây tổn hại về sức khỏe, tài sản, tính mạng và tổn phí về thời gian cho cá nhân, gia đình và xã hội”. MTDĐ thường xen vào các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội. Việc xác định hành vi hoạt động MTDĐ chủ yếu dựa vào biểu hiện và hậu quả tiêu cực của nó.
Mỗi năm, cả nước ta có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ (trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội). Các nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội xuất phát từ nhu cầu về văn hóa và hưởng thụ văn hóa của con người; nhiều lễ hội có từ lâu đời và mang bản sắc riêng từng vùng, miền, địa phương, tộc người (lễ hội dân gian); có những lễ hội mang tính cộng đồng (lễ hội văn hóa, du lịch…). Mục đích của lễ hội tạo ra sân chơi văn hóa lành mạnh, tạo sự cấu kết cộng đồng, tương thân tương ái, giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc “công thần khai quốc”…
Lễ hội thường có hai phần: lễ và hội; phần lễ gồm các hoạt động mang sắc thái tín ngưỡng, tâm linh thể hiện ước vọng của con người, cộng đồng dân cư mong mưa thận, gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh…; ở đó còn là sự bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công giúp dân, lập quốc (các đời Vua Hùng, Thành Hoàng làng, đức Thánh Mẫu…). Lễ hội là hoạt động văn hóa mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của con người.
Tuy nhiên, khi mà yếu tố tâm linh bị thổi phồng, cường điệu; cùng với sự sùng tín, mê muội của một bộ phận người dân; đặc biệt, lợi dụng lễ hội để hoạt động MTDĐ… đã biến các lễ hội thành nơi tranh giành, tranh cướp bát nháo, hỗn độn gây bức xúc dư luận xã hội.
Dù đã được chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự; song, nhiều lễ hội vẫn còn những hạt sạn, những bất cập; trong đó, MTDĐ đã len lõi vào làm biến tướng, làm xấu xí các lễ hội. Đó là tình trạng tranh lộc, cướp ấn, giành giật đồ cúng, vật cúng… để mang “lộc” đầu năm về nhà, đã làm cho một số lễ hội nhuốm màu bạo lực, với các hành vi xàm xí như: rút quẻ, xem bói, xem tướng số, coi tuổi, bày bài cúng giải hạn, giải sao… sặc mùi dị đoan, huyền bí.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin