Cây bản địa là những loài cây phát triển, phân bố tự nhiên tại địa phương, phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và gần gũi với cuộc sống cư dân bản địa, có giá trị nguồn gen và giá trị tài nguyên. Việc nghiên cứu ứng dụng làm xanh hóa khu dân cư bằng cây bản địa không chỉ vì mục tiêu môi trường mà hướng đến mục tiêu bảo tồn nguồn gen và phát triển kinh tế.
Khu dân cư ở Đạ Tẻh xanh - sạch - đẹp bởi nhiều loài cây trồng được xanh hóa |
Trên thực tế đã có nhiều hình thức xanh hóa bảo vệ môi trường như trồng rừng tập trung, cây phân tán, cây cảnh quan; tuy nhiên, việc xanh hóa khu dân cư bằng cây bản địa chưa nhiều. Phần lớn cây trồng trong khu dân cư hiện nay là cây cảnh nhập nội, chỉ có công dụng che bóng mát, làm cảnh; một số ít khu dân cư trồng các loài cây lấy gỗ, vừa che bóng vừa mang lại giá trị kinh tế. Xuất phát từ thực tiễn, việc tăng số lượng cây bản địa vốn đã phù hợp với điều kiện khí hậu môi trường và có nhiều công dụng, mang lại nhiều lợi ích đã được đặt ra. Trong đó, bảo tồn cây quý hiếm, có giá trị trong cộng đồng dân cư là một xu thế mới, có tính khả thi cao, vừa đáp ứng được mục tiêu bảo tồn vừa mang lại giá trị trực tiếp cho con người.
Việc xanh hóa khu dân cư bằng các loài cây bản địa có giá trị là ý tưởng của TS. Lương Văn Dũng - Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Đà Lạt. Theo đó, các loài cây lựa chọn đưa vào xanh hóa khu dân cư phải đáp ứng 4 tiêu chí như: cây bản địa, thân gỗ, nhiều công dụng, cây quý hiếm. Trong đó, cây bản địa nên lựa chọn những cây phân bố tự nhiên tại khu vực triển khai trồng, ưu tiên những loài cây đang được cộng đồng, người dân khai thác sử dụng. Cần lựa chọn nhóm cây thân gỗ để đảm bảo khả năng phủ xanh và có ý nghĩa lâu dài. Chọn những loài cây có nhiều công dụng, chọn những loài cây có tán rộng có tác dụng phủ xanh, vừa có thể khai thác sản phẩm phụ từ lá, hoa, quả… để làm thuốc, rau ăn hoặc nguyên liệu phục vụ chế biến. Lựa chọn cây quý hiếm, ưu tiên những loài có giá trị về nguồn gen, có nguy cơ tuyệt chủng, cần bảo tồn để nghiên cứu phát triển.
Với những tiêu chí đó, TS. Lương Văn Dũng cũng đề xuất danh sách 21 loài cây có thể trồng trong các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó, mỗi loài là cây bản địa phân bố nhiều ở các huyện, thành trong tỉnh. Có thể kể, cây bách xanh (gỗ, tinh dầu), cây hoàng liên ô rô (dược liệu), cây thanh mai (gỗ, ăn quả), thông đỏ (gỗ, tinh dầu) có thể trồng trong khu dân cư ở Đà Lạt, Lạc Dương; cây búng báng (ăn quả), cây dầu đồng (gỗ, nhựa), cây đỉnh, tùng (gỗ, tinh dầu), cây thành ngạnh (rau ăn, dược liệu), cây mít nài (gỗ, ăn quả), trám (gỗ, nhựa, ăn quả) có thể trồng trong các khu dân cư ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông; cây lá cách (rau ăn, dược liệu), cây ươi (gỗ, quả), cây trai (gỗ, dược liệu), cây re (gỗ, tinh dầu) có thể trồng trong khu dân cư ở Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai; trà hoa vàng (dược liệu) có thể trồng trong khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh… Ngoài ra, tùy vào điều kiện khí hậu nóng, lạnh, ôn hòa của các huyện trong tỉnh có thể chọn trồng các loài cây trong khu dân cư vừa cải tạo môi trường sống vừa đem lại giá trị phục vụ đời sống con người như: màng tang (tinh dầu, gia vị), me rừng (ăn quả), núc nác (dược liệu, ăn rau), sâm đu đủ (ăn quả), sẻn lá lớn (lấy hạt làm gia vị), xá xị (gỗ, tinh dầu).
Việc đưa các loài cây bản địa có giá trị trồng ở khu dân cư thực hiện mục tiêu tăng lượng cây phân tán trên địa bàn tỉnh, phủ xanh những khoảng đất trống, cải tạo môi trường sống, đồng thời, làm tăng giá trị phục vụ đời sống cư dân. TS. Lương Văn Dũng cũng đề ra các giải pháp: Trước hết, cần điều tra, đánh giá tài nguyên cây bản địa, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên cây bản địa, đặc biệt, đối với những loài có nguồn gen quý hiếm, gắn với tri thức dân gian, đang có nhu cầu phát triển. Tiến hành xây dựng vườn giống, tuyển chọn các loài phù hợp, xây dựng vườn ươm phục vụ nhân giống. Vườn giống cần được xây dựng ở các đơn vị lâm nghiệp để thuận lợi cho việc sưu tầm, duy trì, đảm bảo độ thuần chủng. Nên nhân giống tại khu vực trồng để cây giống dễ thích nghi và giảm thiểu chi phí.
Việc tổ chức trồng cây cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương lên phương án trồng, vị trí lựa chọn trồng từng loài cây, ví dụ làm hàng rào của các hộ dân, khu đất trống công cộng, đất để hoang hóa. Người dân địa phương là lực lượng chủ yếu tham gia trồng cây, bảo vệ và chăm sóc cây. Người dân được cung cấp cây giống, phân bón và kinh phí hỗ trợ trồng, chăm sóc cây ở giai đoạn đầu, cây trồng ở hàng rào của hộ dân là sở hữu của người dân, cây trồng ở khu đất công cộng, lề đường, đất trống, hoang hóa là sở hữu chung của cộng đồng. Kinh phí trồng cây có thể trích từ nguồn kinh phí của các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình bảo tồn và phát triển nguồn gen, chương trình trồng cây phân tán, cây cảnh quan và thực hiện xã hội hóa huy động kinh phí các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tạo ra giống đầu dòng chất lượng, đảm bảo việc trồng, mở rộng diện tích cây bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc xanh hóa các loài cây bản địa có giá trị sẽ góp phần xây dựng môi trường đáng sống tại các cộng đồng dân cư.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin