Tiếp sức người nghèo từ hỗ trợ sinh kế

NGUYỆT THU 23:57, 05/06/2023

Để giúp người dân và cộng đồng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" vào năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng, Nhà nước đưa ra là giúp người nghèo có sinh kế ổn định để có thu nhập tốt hơn, từ đó vươn lên thoát nghèo. Với phương thức giúp người nghèo tự vươn lên "giảm việc cho trực tiếp, cho không", cách tiếp cận này sẽ giúp cho người nghèo xác định phải tự lực, tự cường vươn lên để thoát nghèo.

Tiếp nhận ủng hộ làm nhà và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
Tiếp nhận ủng hộ làm nhà và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

Ban Bí thư ra Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 có ý nghĩa rất quan trọng. Đảng đã xác định, tập trung chỉ đạo giảm nghèo phải từ Trung ương xuống đến địa phương. Nhà nước, chính quyền địa phương phải có những chính sách, phương pháp và dồn nguồn lực để giúp cho người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tập trung cho công tác giảm nghèo, coi giảm nghèo là chủ trương lớn, lâu dài, xuyên suốt.

Có thể thấy qua đây đã thể hiện sự đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo. Sự đổi mới này thể hiện từ ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo…

Tại Lâm Đồng, hiện vẫn còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% (trong đó, khoảng 4.549 hộ nghèo đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 5,65%) và  khoảng 11.601 hộ cận nghèo. Đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khắp các địa phương trong tỉnh hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ có thể chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, không có điều kiện sản xuất, thiếu sinh kế bền vững. Mặt khác, những hoàn cảnh khó khăn này lại có nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều đối tượng học sinh, sinh viên nghèo rất cần được hỗ trợ, tiếp sức giúp họ vươn lên.

Tiếp nhận ủng hộ Quỹ Vì người nghèo
Tiếp nhận ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo"

Ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết 09 ngày 14/12/2021 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” và Kế hoạch số 1338 ngày 24/2/2023 của UBND tỉnh về vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tôn giáo, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiếp tục tích cực hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, đóng góp Quỹ Vì người nghèo để tạo ra nguồn lực tập trung hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ nhà ở giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, các huyện cũng đã chủ động rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu và có khả năng lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo để xây dựng kế hoạch để triển khai đề án.

Theo thống kê trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ tại 7 huyện: Đam Rông, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tổng kinh phí phân bổ hơn 18 tỉ đồng với 1.259 hộ. Mỗi hộ được hỗ trợ tương ứng 10 - 20 triệu đồng tùy thuộc vào điều kiện của từng hộ mà thực hiện các mô hình trồng chuối Laba, trồng dâu nuôi tằm, trồng chanh dây, cải tạo trồng xen cây ăn trái, cây sầu riêng trong vườn điều già cỗi, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhốt chuồng để giảm nghèo, thoát nghèo bền vững…

Mới đây, ngày 21/4/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp khảo sát tại nhà các hộ dân và thống nhất đối tượng do UBND xã chọn; sở đã quyết định hỗ trợ 10 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo xã Đạ M’rông ( Đam Rông) với tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng, mỗi hộ có mức hỗ trợ 20 triệu đồng.

Đồng thời, yêu cầu UBND xã làm việc với các hộ dân để làm rõ nhu cầu được hỗ trợ và mô hình thiết thực có thu nhập để sử dụng nguồn tiền vận động đạt hiệu quả. Trong số 10 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nói trên, 6 hộ có nguyện vọng hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm, 3 hộ có nhu cầu hỗ trợ giống dê và 1 hộ hỗ trợ giống lợn đen địa phương. Như vậy, đối với hộ nuôi tằm, quy mô hỗ trợ 1 bộ giàn nuôi/hộ. Còn những hộ nuôi dê và lợn, ngoài được hỗ trợ làm chuồng trại, bà con được cấp 6 con lợn, 4 con dê giống/hộ.