Bảo vệ tài nguyên nước vì sự sống còn

QUỲNH UYỂN 06:28, 22/12/2023

Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về sử dụng nguồn nước không ngừng tăng theo xu thế phát triển, đồng nghĩa với lượng nước thải ra môi trường cùng nguy cơ gây ô nhiễm cũng tăng lên. 

Hồ chứa nước Đạ Tẻh - nguồn cung cấp cho nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt 
cho hàng ngàn hộ dân trong huyện
Hồ chứa nước Đạ Tẻh - nguồn cung cấp cho nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trong huyện

BÁO ĐỘNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC, SUY GIẢM TÀI NGUYÊN NƯỚC

Lâm Đồng là vùng khí hậu có lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian. Lượng mưa vào mùa mưa chiếm đến 85 - 90% tổng lượng mưa trong năm; mùa khô, lượng mưa chỉ chiếm 10 - 15%. Việc giảm diện tích rừng đầu nguồn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước. Trong đó, trữ lượng nước dưới đất cung cấp một lượng không nhỏ trên tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho Nhân dân toàn tỉnh. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra do phân rác thải, nước thải sinh hoạt, xác chết sinh vật, nước thải các bệnh viện, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học… ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. 

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao đến 48%, sự gia tăng dân số nhanh chóng, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, thành phần rác thải ngày càng phức tạp, có nguy cơ lớn làm ô nhiễm nguồn nước. Ước tính, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh 895 tấn/ngày, trong đó khoảng 48% chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Toàn tỉnh có 12 đơn vị thu gom rác ở 12 huyện, thành, nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 88%, việc phân loại rác vẫn chưa được tiến hành. 

Việc gia tăng nhu cầu nước sạch sinh hoạt tại các khu đô thị, khu du lịch và một số ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển phải sử dụng nước khá nhiều như: chế biến thực phẩm, nông sản (cà phê, rau, củ), chế biến khoáng sản (sản xuất alumin, kaolin…), công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công (dệt may, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, xe tơ dệt lụa…). Vừa đòi hỏi cần dùng rất nhiều nước, các lĩnh vực sản xuất này đồng thời thải ra một lượng nước thải bằng khoảng 50 - 80% nhu cầu dùng nước. 

Sự gia tăng lượng nước thải từ nông nghiệp cũng là mối đe dọa ô nhiễm môi trường như chăn nuôi bò sữa, gia súc gia cầm, rau, hoa, nuôi trồng thủy sản… Tương quan giữa nhu cầu dùng nước và mức độ thải nước và chất thải nông nghiệp tăng lên với khối lượng lớn. Ngoài các chất hữu cơ trong chăn nuôi, nước thải trong trồng trọt có chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dần sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước. Những thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Việc phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có quy hoạch phát triển đô thị chưa có sự xem xét thấu đáo đến quản lý tài nguyên nước; độ che phủ rừng giảm, rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng; việc quy hoạch sử dụng tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, rừng, khoáng sản chưa có hiệu quả; việc sản xuất nông nghiệp xây dựng nhà lưới, nhà kính, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng… làm suy giảm mạch nước ngầm, mất cân bằng sinh thái, đe dọa môi trường nước. Ý thức bảo vệ tài nguyên nước, tăng nguồn thủy sinh còn thấp, tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí còn diễn ra. Việc khai thác nước dưới đất quá mức, thậm chí khoan xuyên qua tầng chứa nước gây hậu quả mực nước ngầm hàng năm bị hạ thấp vẫn diễn ra và tăng về quy mô ở một số nơi. 

• BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC LÀ BẢO VỆ NGUỒN SỐNG

Toàn tỉnh hiện có 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km; mật độ sông, suối 0,18 - 1,1 km/km2. Hệ thống hồ dày đặc, phần lớn là hồ nước nhân tạo với 221 hồ chứa, 5 liên hồ chứa, 22 hồ nước thủy điện và gần 1.000 km kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. 

Với yêu cầu đặt ra của cuộc sống, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt đô thị, kết hợp với sản xuất công nghiệp ngày càng tăng cao. Toàn tỉnh hiện có 17 nhà máy cấp nước đô thị, với tổng công suất khai thác là 64.510 m3/ngày đêm; trong đó khai thác từ nước mặt là 48.350 m3/ngày đêm, khai thác từ nước ngầm là 16.160 m3/ngày đêm. Cụ thể, 5 nhà máy lớn nhất tại Đà Lạt hiện khai thác 61.200 m3/ngày đêm phục vụ cho cư dân Đà Lạt, thị trấn Lạc Dương và khách du lịch. Các nhà máy nước có công suất nhỏ hơn như: Bảo Lộc hiện khai thác 9.500 m3/ngày đêm; Di Linh đang khai thác 4.700 m3/ngày đêm; Bảo Lâm, Cát Tiên đang khai thác hơn 2.000 m3/ngày đêm. 8 nhà máy nước còn lại ở các thị trấn của các huyện có công suất thiết kế và khai thác từ 500 - 3.000 m3/ngày đêm.

Trong 17 nhà máy cấp nước đô thị này, có 9 nhà máy đang sử dụng nguồn nước mặt từ hồ đập thủy lợi gồm các nhà máy nước ở Đà Lạt, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Phước Cát - Cát Tiên; có nhà máy vẫn dùng đồng thời cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm như Bảo Lộc, thị trấn Cát Tiên; có các trạm bơm hoàn toàn sử dụng nước ngầm như Di Linh, Thạnh Mỹ - Đơn Dương, Liên Nghĩa - Đức Trọng. 

Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về sử dụng nguồn nước không ngừng tăng theo xu thế phát triển, đồng nghĩa với lượng nước thải ra môi trường cùng nguy cơ gây ô nhiễm cũng tăng lên. 

Nước là nguồn gốc của sự sống. Tài nguyên nước không phải là vô hạn, việc bảo vệ nguồn nước là bảo vệ nguồn sống, là vấn đề sống còn cần được đặt ra. Theo ThS. Lương Văn Ngự (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, chuyên gia về tài nguyên nước): Nhu cầu dùng nước ngày càng cao, hiểm họa từ nước ngày càng nhiều, thách thức về nước ngày càng lớn, nên cần có những giải pháp công nghệ thiết thực, cơ bản, hiệu quả hơn trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Trong đó, cần cải tạo, xây dựng các công trình thu giữ, tích trữ nước, nạo vét lòng hồ tạo nguồn nước của các hồ chứa; cải tạo, nâng cấp xây dựng các hệ thống thu gom chất thải, xử lý rác thải và thoát nước trong đô thị; lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh định vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. 

Khai thác sử dụng nguồn nước phải đi đôi với bảo vệ nguồn nước. Tiếp tục tuyên truyền trong Nhân dân về tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước; nghiên cứu để giảm nhu cầu nước tưới trong nông nghiệp; áp dụng công nghệ mới, tái sử dụng nước; tập trung xử lý nước thải, rác thải; ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân, thuốc, chế phẩm sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.