Cho cuộc sống thêm ý nghĩa

HÀNG NHƯ QUỲNH - VIẾT TRỌNG 06:29, 25/12/2023

Từ ý tưởng thành lập nhóm thiện nguyện vì cộng đồng của một vài thành viên ban đầu, đến nay, “Nhóm Tình nguyện Đức Trọng” với chiếc áo tím đặc trưng đã có trên 40 thành viên tham gia. Rất nhiều hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa đã được nhóm triển khai trong những năm qua. 

Một tình nguyện viên áo tím của Nhóm Tình nguyện Đức Trọng hỗ trợ một VĐV khuyết tật đang về đích 
tại Giải Thể thao Người khuyết tật Lâm Đồng tại Đà Lạt tháng 11/2023
Một tình nguyện viên áo tím của Nhóm Tình nguyện Đức Trọng hỗ trợ một VĐV khuyết tật đang về đích tại Giải Thể thao Người khuyết tật Lâm Đồng tại Đà Lạt tháng 11/2023

KHI CHO ĐI LÀ CÒN MÃI 

Khéo léo, nhẹ nhàng đẩy những chiếc xe lăn, xe lắc cùng với các vận động viên (VĐV) ngồi trên vào vạch xuất phát để chuẩn bị thi đấu, chị Đỗ Thị Hồng Huệ, 33 tuổi, dù có chút mệt vì trời nắng nhưng luôn tươi cười kèm theo lời chúc các VĐV đang ngồi trên xe : “Cố gắng hết sức về đến đích nghe”. 

Đó là các VĐV của đội Người Khuyết tật Đức Trọng tham dự Giải Thể thao Người khuyết tật Lâm Đồng tổ chức trong đầu tháng 11 vừa qua tại Đà Lạt. Chị Huệ là 1 trong 3 tình nguyện viên của Nhóm Tình nguyện Đức Trọng đi theo hỗ trợ đội Đức Trọng suốt trong 2 ngày thi đấu tại Đà Lạt.

Là người Đức Trọng, sinh sống tại thị trấn Liên Nghĩa, chị Huệ đang có một cửa hàng kinh doanh bánh ngọt, bánh ăn kiêng tại nhà. Dù công việc bận rộn nhưng chị cho biết sẵn sàng đi hỗ trợ cho đoàn VĐV Người khuyết tật thi đấu hay các hoạt động của Nhóm Tình nguyện khi cần. Chị Huệ biết Nhóm Tình nguyện từ lâu nhưng lúc đó đi làm xa không tham gia được; gần đây chị về lại Đức Trọng sinh sống và bắt đầu tham gia các hoạt động của Nhóm được hơn 3 năm. 

“Thật ra trước đây tôi cũng đã từng tham gia các hoạt động của nhiều nhóm tình nguyện trong nước như ở Đà Lạt, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Đắk Nông và bản thân tôi rất thích các hoạt động này” - chị Huệ cho biết.

Khi làm thiện nguyện, chị Huệ cảm thấy vui, bởi những việc giúp đỡ này đang mang lại niềm vui cho người khác. “Cho đi là còn mãi. Mình giúp người hôm nay, sau này sẽ có người khác giúp lại mình hay người thân của mình” - chị suy nghĩ. 

Trong hơn 3 năm gần đây, chị Huệ là thành viên tích cực tham gia rất nhiều các hoạt động của Nhóm, từ giúp đỡ người tàn tật, người mù, người nghèo, tặng quà cho trẻ em vùng sâu. Một hoạt động mà chị yêu thích nhất khi tham gia chính là chương trình “Trăng rằm yêu thương” của Nhóm, được tổ chức vào mỗi dịp Trung thu hằng năm để mang lại niềm vui cho trẻ vùng sâu. Để thực hiện chương trình này, nhóm của chị đã tự làm và bán từng chiếc lồng đèn để gây quỹ, tự tay làm những chiếc bánh Trung thu, tự tay chuẩn bị những phần quà cho các cháu thiếu nhi. Khi nhìn những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên của các em, chị bảo đó là những điều khó quên nhất với mình cũng như với nhiều thành viên trong nhóm.

Một tình nguyện viên khác của Nhóm Tình nguyện Đức Trọng mà chúng tôi có dịp gặp là anh Nguyễn Hải Hoàng, 40 tuổi. Người Đức Trọng, anh Hoàng làm công việc kinh doanh tự do nên thời gian anh tham gia các hoạt động của Nhóm khá linh động. “Khi Nhóm cần, mình có thể sắp xếp công việc để hỗ trợ ngay” - anh Hoàng nói. 

Anh Hoàng bắt đầu tham gia Nhóm từ năm 2020, đó là thời điểm Nhóm cần người tình nguyện tham gia cứu trợ vùng dịch COVID-19. Anh thấy ý nghĩa tích cực của việc mình làm dù có chút nguy hiểm nhưng anh luôn sẵn sàng. Rồi sau đó anh trở thành một thành viên tích cực trong Nhóm, tham gia nhiều hoạt động, đặc biệt, trong đó anh là người phụ trách nấu cơm cho chương trình “Bếp ăn từ thiện” tổ chức vào mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng.

Anh kể những ngày đầu do nồi cơm khá lớn nên anh nấu chưa quen, có lúc cơm bị khê, có lúc bị sống, buộc phải "chữa cháy" bằng cách mua cơm ngoài để phát cho bệnh nhân. Nhưng sau đó tay nghề “bếp núc” của anh dần nâng lên, cơm nấu ra dẻo, mềm, thơm, được các bệnh nhân tấm tắc khen ngon. “Chỉ cần thấy mọi người vui vẻ nhận cơm, thưởng thức bữa ăn từ thiện trong niềm vui là mình thấy vui lây rồi” - anh Hoàng nói.

• ÁO TÍM TÌNH THƯƠNG

“Nhóm chọn màu áo tím ngay từ những ngày đầu thành lập, năm 2012, với ý nghĩa rằng màu tím là màu của tình thương, sự chia sẻ, màu của sự chung thủy, chung thủy cho tinh thần thiện nguyện”, anh Phạm Tấn Duyên - Trưởng nhóm Nhóm Tình nguyện Đức Trọng cho biết.

Anh Duyên tham gia Nhóm năm 2013, đến năm 2018, anh trở thành Trưởng nhóm và đưa Nhóm ngày càng phát triển. Tính đến nay, Nhóm có gần 40 tình nguyện viên tích cực tham gia và còn có thêm các tình nguyện viên khác nữa cho từng chương trình hoạt động khi cần. 

Rất nhiều hoạt động được Nhóm tổ chức thông qua việc liên kết với các đoàn thể Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ cũng như Mặt trận các cấp tại Đức Trọng như hỗ trợ Hội Người khuyết tật, Hội Người mù trong các hoạt động của 2 Hội này; vận động tặng quà, tặng lồng đèn và tổ chức trò chơi cho trẻ em trong vùng sâu, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Trung thu hằng năm. Trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Nhóm đã đứng ra vận động và hỗ trợ hơn 2000 tấn rau cho các vùng dịch trong huyện, trong tỉnh và trong nước. Gần đây, Nhóm đã tổ chức “Bếp ăn từ thiện” tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng vào mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần với khoảng 150 - 200 suất cơm chay cấp miễn phí cho bệnh nhân. Cùng đó, Nhóm cũng nhận hỗ trợ chi trả viện phí cho những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Y tế huyện.

Điểm thuận lợi như anh Duyên cho biết là Nhóm Tình nguyện Đức Trọng có các anh chị em trong nhóm làm việc rất ăn ý, đoàn kết trong tinh thần thiện nguyện. Cùng đó là sự giúp đỡ, tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong huyện, trong tỉnh cho nhóm; sự hỗ trợ của các cấp đoàn thể, chính quyền, cơ quan, đơn vị. 

“Chúng tôi cố gắng có những hoạt động thiện nguyện trong khả năng có được, bằng sự đồng lòng của cả Nhóm, bằng trách nhiệm và tình thương của con người với con người như tinh thần áo tím chúng tôi đang mặc để cuộc sống thêm ý nghĩa. Đó chính là niềm vui của chúng tôi”, anh Duyên chia sẻ.