BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
“Mặt trời xanh” giữa đại ngàn

NDONG BRỪM 00:40, 11/02/2024

Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để Nhân dân làm theo”, người lính trong thời bình đã vượt qua mọi khó khăn giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Và, họ được ví như “mặt trời xanh” giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên hùng vỹ.

Đoàn KTQP Lâm Đồng đầu tư hàng tỷ đồng làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn cho xã Vùng căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng (Di Linh)
Đoàn KTQP Lâm Đồng đầu tư hàng tỷ đồng làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn cho xã Vùng căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng (Di Linh)

Với nhiệm vụ chính là đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng, phát triển các điểm dân cư, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo cho Nhân dân trên địa bàn huyện Đam Rông và một số xã thuộc huyện Lâm Hà và Di Linh; những năm qua, cán bộ, chiến sĩ, đội trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng (Quân khu 7) luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ.

GIÚP ĐỒNG BÀO THAY ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT

Là huyện “sinh sau, đẻ muộn”, được chia tách từ các xã vùng sâu, vùng xa của 2 huyện Lâm Hà và Lạc Dương, nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đam Rông còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Trung tá Nguyễn Trọng Thúy - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đoàn KTQP Lâm Đồng, hơn 10 năm đứng chân trên địa bàn huyện, Đoàn KTQP Lâm Đồng đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo, trọng tâm là tổ chức các chương trình khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, giúp đồng bào các dân tộc thay đổi tư duy trong sản xuất. 

Để làm được điều đó, thời gian qua, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đội sản xuất, đội viên trí thức trẻ tình nguyện thực hiện tốt “4 cùng” để hỗ trợ, triển khai có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhiều hộ thoát nghèo, cải thiện đời sống. Thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội - Mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào DTTS và miền núi Khu KTQP Bắc Lâm Đồng, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương rà soát, lựa chọn những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn để hỗ trợ cây, con giống, vốn, kiến thức kỹ thuật. Riêng năm 2023, đơn vị đã cấp 328 con lợn rừng lai và lợn đen địa phương sinh sản cho 41 hộ, 185 con dê cho 37 hộ, cấp hàng trăm bộ dụng cụ nuôi tằm cho 311 hộ và 750 g tằm giống/hộ, với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng; tiếp tục nhân rộng nhiều dự án, mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế như: Trồng dâu, nuôi tằm, trồng nấm bào ngư, nuôi dê lai Boer; nuôi gà thả vườn kết hợp với nuôi trùn quế… Nhờ vậy, đã từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thay đổi đáng kể tư duy sản xuất... Qua đó, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân tại các vùng dự án. 

Từng là hộ nghèo ở buôn Liêng Krắc 2, xã Đạ M’rông, một trong những xã vùng khó khăn nhất của huyện Đam Rông, cuộc sống gia đình ông Rơ Ông Ha Lanh nay đã khác xưa nhiều lắm. Với sự giúp đỡ của Đoàn KTQP Lâm Đồng, gia đình ông được hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm, phương pháp chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh hại cho cây trồng, vật nuôi. Sau hơn một năm nỗ lực vươn lên, từ hơn 3 sào cà phê, 3 sào dâu, cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, nên đời sống gia đình đã có nhiều đổi thay. 

Song song với các dự án phát triển kinh tế, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh. 

Trong năm, đơn vị đã tổ chức chương trình Tết quân dân, Tết Trung thu, tặng quà cho học sinh các trường học nhân dịp khai giảng năm học mới, Ngày Quốc tế Thiếu nhi; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho Nhân dân; thăm hỏi, tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ, đối tượng chính sách và nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn… 

Trung tá Nguyễn Trọng Thúy cho biết: “Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn xác định việc bám sát cơ sở, bám dân, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giúp đỡ Nhân dân vùng dự án xóa đói, giảm nghèo bền vững là một trong những khâu đột phá quan trọng trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, các mô hình kinh tế được thực hiện sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương và mang lại hiệu quả cao, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong Khu KTQP Bắc Lâm Đồng để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn, mở các lớp học dạy tiếng phổ thông kết hợp xóa mù chữ cho người lớn tuổi, đối tượng yếu thế… Đồng thời, phát huy trình độ, năng lực sức trẻ của đội trí thức trẻ tình nguyện trong việc giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống và không ai bị bỏ lại phía sau”.

động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh. 

• GÓP PHẦN NÂNG CAO DÂN TRÍ CHO ĐỒNG BÀO 

Theo ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông: “Trước đây, Đam Rông là một trong những huyện nghèo của cả nước, cơ sở hạ tầng còn yếu và nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí hạn chế, nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ và người lớn tuổi còn rất cao. Trước thực trạng đó, cùng với việc thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Đoàn KTQP Lâm Đồng đã chú trọng phối hợp và đồng hành với chính quyền địa phương các cấp mở các lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ, giúp nâng cao dân trí”.

Trong năm 2023, ngoài việc hỗ trợ nhiều hộ nghèo phát triển sản xuất, đầu tư thi công 11 km đường giao thông nông thôn, xây tặng 15 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân” cho hộ nghèo và 2 công trình thể dục thể thao ngoài trời cho 2 cơ sở tôn giáo…, Đoàn KTQP Lâm Đồng còn chú trọng đầu tư kinh phí xây mới, sửa chữa 3 công trình trường mầm non và thực hiện chương trình xóa mù chữ cho đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn.

Phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, năm 2023, các cán bộ, chiến sĩ, đội trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP Lâm Đồng tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ cho bà con lớn tuổi tại xã Tân Thanh (Lâm Hà), xã Đạ Tông (Đam Rông)... Theo chân bộ đội, các cô giáo trong đội trí thức trẻ tình nguyện, chúng tôi được biết đến lớp xóa mù chữ ở buôn Đa Kao 2, xã Đạ Tông là lớp học cuối cùng trong năm 2023. Lớp học đã thu hút 53 học viên chủ yếu là các chị em phụ nữ dân tộc K’Ho tham gia. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối trong tuần và thời gian học tập kéo dài trong 6 tháng, với mục tiêu kết thúc khóa học, 100% các mẹ, các chị đều biết đọc, biết viết. Ngoài dạy tiếng phổ thông, các kiến thức cơ bản của chương trình xóa mù chữ, vào đầu giờ của mỗi buổi học, các thành viên thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, giúp bà con hiểu sâu sát và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. 

Tham gia lớp học, các học viên đều có chung niềm phấn khởi, sự tự hào và bày tỏ: Trước đây, do cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện được học con chữ. Nay, khi biết tin có lớp học xóa mù chữ do Đoàn KTQP Lâm Đồng mở tại buôn, gần nhà, nên họ đã hăng hái đăng ký tham gia. 

Sau hơn 10 năm đứng chân trên địa bàn, từ lớp học đầu tiên ở buôn Đạ M’pô, xã Liêng S'rônh vào năm 2012, đến nay, Đoàn KTQP Lâm Đồng đã mở với tổng số 15 lớp học dạy tiếng phổ thông kết hợp xóa mù chữ cho hơn 1.000 người là đồng bào các DTTS trên địa bàn các huyện Đam Rông, Lâm Hà và Di Linh. Qua đó, không những giúp bà con biết đọc, biết viết, hiểu và biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông, mà còn giúp họ có nhiều niềm tin để khẳng định mình trong xu thế hội nhập và phát triển.