Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là một thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó”. Một trong những địa phương ở Việt Nam thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, đặc biệt Chương trình gắn với chiến lược kinh tế xanh là tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều hộ dân cùng nhau hợp tác sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng năng lượng mặt trời. Trong ảnh: Mô hình của anh Phạm Thế Tuấn và các hộ dân ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) |
• HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO SẼ THẤP HƠN TỶ LỆ CHUNG CẢ NƯỚC
Là địa phương miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 25,7%, trong đó, dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm gần 17%, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững luôn thách thức đối với cả hệ thống chính trị của tỉnh Lâm Đồng. Với sức mạnh tổng lực, bằng nỗ lực toàn diện, nhiệm vụ này ngày càng đạt những thành tựu, thực sự là niềm vui chung. Năm 2016, toàn tỉnh có 32 xã và 66 thôn đặc biệt khó khăn, tổng số hộ nghèo hơn 20 ngàn hộ, chiếm 6,56%; đến cuối năm 2019 chỉ còn 6 xã và 51 thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo còn 6.325 hộ, tỷ lệ 1,85%. Năm 2021, TP Đà Lạt không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; 3 thành phố và huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; 6 huyện tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, chỉ còn 2 huyện có tỷ lệ trên 5% là Lạc Dương và Đam Rông. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của tỉnh Lâm Đồng còn 5,34%; số hộ nghèo 6.636 hộ, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%. Với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021); cận nghèo có 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%. Toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,6%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,74%. Năm 2023, huyện Đam Rông không còn diện huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025. Cũng trong năm 2023, dự kiến Lâm Đồng đạt kế hoạch với tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5-3%. Chỉ tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.
Bài học thành công về giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng đúc kết trong mấy từ khóa: tổng lực, lồng ghép, đồng thuận, tăng trưởng xanh.
Trong năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQC Giảm nghèo bền vững của tỉnh Lâm Đồng là 65.191 tỷ đồng. Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng còn vận động hỗ trợ cho ít nhất 3.415 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 68,3 tỷ đồng...
Đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng vừa tăng thu nhập của gia đình vừa bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên cho tỉnh |
• GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GẮN VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH
Lâm Đồng là địa phương có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, đảm nhận vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Những hộ đã thoát nghèo hay những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đang hòa chung dòng chảy vươn lên trong hệ sinh thái của nền nông nghiệp xanh. Từ ứng dụng công nghệ cao đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn... Mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 70-75% khối lượng chất thải từ chăn nuôi đã được tái tạo làm phân bón sử dụng hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp (làm khí sinh học, ủ phân). Một nền nông nghiệp tránh lãng phí, giảm ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Giảm nghèo bền vững còn song hành với bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá. Người dân tham gia nhiệt tình nhiều hoạt động thiết thực các mô hình “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát làng quê”, “Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)”, “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lấy quà tặng”, “Biến rác thành tiền”... Lượng bao gói thuốc BVTV được thu gom và tiêu hủy đúng quy định năm 2022 đạt 42,5 tấn/175 tấn (chiếm 24,3%). Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030, trên 90% bao gói thuốc BVTV được thu gom, xử lý theo đúng quy định.
Niềm hạnh phúc của trẻ em dân tộc Churu, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương không chỉ được ăn no và đến trường mà còn sống trong môi trường sinh thái xanh |
Cùng với đó, hơn 13 ngàn hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (BVR), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 77% với tổng diện tích trên 356 ngàn ha. Tổng diện tích khoán và tự quản lý BVR chi trả từ ngân sách tỉnh và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 458,3 ngàn ha, chiếm 85% diện tích đất lâm nghiệp có rừng toàn tỉnh. Hành động này vừa bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên vừa tăng thêm thu nhập đối với các hộ dân sống trong rừng và gần rừng. Ở Lâm Đồng, tại nhiều vùng sâu, người dân còn biết phát huy mô hình năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và chiếu sáng đường thôn. “Nông thôn mới” trở nên xanh, sạch, đẹp, ấm áp tình làng nghĩa xóm và đoàn kết tương thân...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết: “Chiến lược xanh về giảm nghèo bền vững là một phương pháp tích hợp giữa các biện pháp bảo vệ môi trường và giảm nghèo nhằm đảm bảo rằng việc giảm nghèo không gây hại đến môi trường và ngược lại. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng phải tạo ra những chiến lược, chính sách và các dự án cụ thể để đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế và xã hội không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường, và đồng thời cải thiện điều kiện sống của người dân nghèo. Chiến lược xanh về giảm nghèo bền vững ở tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh sự tương tác chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, và nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên để đảm bảo tăng phát triển là bền vững và không gây hại cho môi trường và người nghèo”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin