BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
"Xanh hóa" dịch vụ taxi

LÊ HỮU TÚC 00:11, 15/02/2024

Trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện môi trường, thì việc “xanh hóa” dịch vụ taxi là yêu cầu cấp thiết nếu muốn tồn tại và phát triển.

 Lado Taxi đang đẩy mạnh “xanh hóa” dịch vụ taxi bằng việc thay thế xe xăng sang xe điện
Lado Taxi đang đẩy mạnh “xanh hóa” dịch vụ taxi bằng việc thay thế xe xăng sang xe điện

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Đồng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi cho rằng: Phát triển xanh, bền vững, hướng đến một nền kinh tế ít các-bon là xu hướng tất yếu của thế giới và là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Ngành vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng cũng không ngoại lệ, nhất là khi lĩnh vực vận tải chiếm tới 23% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách, Đồng Thúy không những không đứng ngoài cuộc, mà còn tiên phong trong cung cấp dịch vụ “vận tải xanh”...

Phát triển các trạm sạc dùng điện năng lượng
mặt trời là giải pháp tối ưu nhằm thực hiện
triệt để “xanh hóa” dịch vụ taxi
Phát triển các trạm sạc dùng điện năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu nhằm thực hiện triệt để “xanh hóa” dịch vụ taxi

TIÊN PHONG KINH DOANH TAXI ĐIỆN 

Nghĩ là làm. Cuối năm 2022, Đồng Thúy đặt lô xe điện đầu tiên với 16 chiếc VinFast VF e34 về kinh doanh dịch vụ taxi tại Lâm Đồng, trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước kinh doanh taxi điện. Không như xe động cơ xăng, xe điện có hàm lượng công nghệ cao hơn, vận hành rất phức tạp, vì vậy cần có đội ngũ quản lý, vận hành có trình độ cao hơn. “Do thiếu sự chuẩn bị từ trước, đội ngũ của Đồng Thúy lúc này chưa đáp ứng được 100% yêu cầu trong vận hành xe điện, nên đã xảy ra những trục trặc, thời gian xe nằm kho chờ khắc phục sự cố quá nhiều. Đây quả là thời khắc khó khăn, đầy thử thách đối với ban lãnh đạo Đồng Thúy khi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực kinh doanh mới - taxi điện...” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy Nguyễn Ngọc Đồng nhớ lại. 

Cũng theo ông Đồng, cái khó khi bước vào lĩnh vực kinh doanh taxi điện không chỉ dừng lại ở yếu tố con người, đội ngũ kỹ thuật, hay quy trình vận hành, mà còn ở độ trễ của chủ trương, chính sách Nhà nước, nhất là chính sách tín dụng, chưa theo kịp xu thế, chưa có những quy định cụ thể đối với tài sản là xe điện. Trong khi doanh nghiệp còn khó khăn về vốn, thì các tổ chức tín dụng lại e ngại, chưa tin tưởng vào xe điện, nên việc thế chấp chính những chiếc xe điện để vay vốn ngân hàng lại gặp không ít khó khăn... Dù vậy, để đón đầu xu thế phát triển xanh trong kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng thị hiếu của khách hàng và với chiến lược đã được hoạch định, Đồng Thúy vẫn tự tin theo con đường đã chọn, tiên phong kinh doanh taxi điện.

Từ chỗ 16 chiếc taxi điện ban đầu, đến nay sau gần một năm đưa xe điện vào kinh doanh, Đồng Thúy đã có 265 xe điện trong tổng số gần 700 đầu xe mang thương hiệu Lado Taxi. Hiện, Lado Taxi đang có mặt và cung cấp dịch vụ tại 6 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, gồm: Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay với sự đồng hành, hỗ trợ đào tạo của VinFast - đơn vị cung cấp xe điện, Lado Taxi đã có đội ngũ kỹ thuật vững vàng, bảo đảm vận hành và xử lý sự cố. Xưởng bảo trì, sửa chữa của Lado Taxi là xưởng 2S đầu tiên tại Lâm Đồng được VinFast công nhận. Năm 2023, tổng sản lượng vận chuyển của Lado Taxi đạt gần 2 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 180 tỷ đồng.

Xưởng bảo trì, sửa chữa của Lado Taxi
là xưởng 2S đầu tiên tại Lâm Đồng
được VinFast công nhận
Xưởng bảo trì, sửa chữa của Lado Taxi là xưởng 2S đầu tiên tại Lâm Đồng được VinFast công nhận

• “XANH HÓA” DỊCH VỤ TAXI 

Theo kế hoạch, Lado Taxi sẽ dừng mua mới các dòng xe xăng kể từ năm 2023, chỉ bổ sung mới xe điện và tiến tới thay thế toàn bộ xe xăng sang xe điện. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2025, Lado Taxi có trên 85% đầu xe lưu thông trên thị trường là xe điện. Động lực cho chiến lược chuyển đổi này chính là hiệu quả kinh tế và ưu điểm vượt trội của xe điện so với xe xăng đã được chứng minh trong quá trình vận hành thực tế. "Chúng tôi sử dụng xe điện đến nay đã được hơn một năm và ghi nhận hiệu quả trong kinh doanh cũng như trải nghiệm của khách hàng. Xe điện giúp giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng đáng kể so với xe xăng, đồng thời giúp tối ưu nhân sự vận hành, với chỉ 1 kỹ thuật viên quản trị có thể quản lý và vận hành 100 chiếc xe điện, trong khi với số xe xăng tương đương cần ít nhất 2 kỹ thuật viên. Mặt khác, ưu điểm vượt trội của xe điện là vận hành êm ái, không mùi, không tiếng ồn, đặc biệt là không khí thải…” - ông Nguyễn Ngọc Đồng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, Lado Taxi còn chủ trương “xanh hóa” dịch vụ taxi từ các trạm sạc dùng điện năng lượng mặt trời. Trước mắt, đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc dùng điện năng lượng mặt trời tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng, với 20 trụ sạc. Tiến tới sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng trạm sạc dùng điện năng lượng mặt trời tại tất cả các địa bàn Lado Taxi có cung cấp dịch vụ taxi điện. “Để đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng cho xe điện ngày càng tăng cao, các trạm sạc truyền thống tạo áp lực lớn cho hệ thống điện quốc gia và phát sinh hiện tượng quá tải giờ cao điểm. Ngoài ra, việc mua điện từ lưới điện quốc gia có chi phí cao... Mặt khác, nhằm thực hiện triệt để “xanh hóa” dịch vụ taxi, thì phát triển trạm sạc dùng điện năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu. Lado Taxi đang đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 50 trụ sạc tại Lâm Đồng và 30 trụ sạc tại Bình Định dùng điện năng lượng mặt trời” - ông Đồng cho biết. 

Phát triển kinh tế xanh nói chung và vận tải xanh nói riêng đang là xu hướng. Tuy nhiên, để thực hiện tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn cho đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng; trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, để thúc đẩy chuyển đổi xanh nói chung, “xanh hóa” dịch vụ taxi nói riêng cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng, về thuế, về giá bán điện đối với doanh nghiệp kinh doanh taxi điện... Hiện, chính quyền tỉnh Lâm Đồng không cấp phép thành lập mới, cũng như mở rộng quy mô kinh doanh dịch vụ taxi. Để thúc đẩy “xanh hóa” dịch vụ, nên chăng cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi mở rộng quy mô, tăng đầu xe nếu cam kết chuyển đổi sử dụng xe điện.

Trong Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra mục tiêu: đến năm 2030, giảm 18% phát thải khí nhà kính bình quân đầu người so với phương án phát triển bình thường; hình thành và phát triển cơ cấu “kinh tế xanh” trên cơ sở đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ tiên tiến, năng lượng tái tạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, phát thải ít các-bon... Thúc đẩy chuyển đổi, “xanh hóa” dịch vụ taxi là hành động cụ thể góp phần hiện thực hóa các chỉ tiêu tăng trưởng xanh của địa phương.