Trong năm 2023, hoạt động ủy thác vốn vay giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các tổ chức chính trị xã hội (CTXH) tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải nguồn vốn chính sách (TDCS) nhanh chóng, kịp thời, với 98,7%/tổng số tiền phát sinh diễn ra tại các Điểm giao dịch xã định kỳ hằng tháng, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thuộc các tổ chức CTXH nhận ủy thác.
Hoạt động tín dụng chính sách luôn có sự đồng hành của các tổ chức CTXH |
Cuối năm 2023, kết quả đánh giá Tổ TK&VV có 98% xếp loại tốt, không có Tổ TK&VV xếp loại yếu, hiệu quả hoạt động của 2.454 Tổ TK&VV được duy trì, bình quân mỗi tổ có 41 tổ viên và dư nợ 2.284 triệu đồng; chất lượng TDCS của tất cả 11 Phòng giao dịch và Hội sở tỉnh đều xếp loại tốt. Nguồn vốn TDCS do Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện trong năm 2023 đã tạo điều kiện cho 1.134 hộ nghèo, 4.165 hộ cận nghèo, 2.985 hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 9.085 lao động; 3.276 gia đình học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp 11.366 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn; 575 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; 72 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn...
Có được kết quả trên, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã được nhận nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 522.336 triệu đồng, tăng 34,0% so với đầu năm, hoàn thành 288,3% kế hoạch tăng trưởng, chiếm 9,0%/tổng nguồn vốn. Trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh 294.273 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 218.732 triệu đồng, nguồn vốn Ủy ban MTTQ Việt Nam 9.331 triệu đồng; ngoài ra, là nguồn vốn huy động từ tiền gửi của tổ chức, cá nhân và và tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, đạt 790.999 triệu đồng, tăng 8,3% so với đầu năm, chiếm 13,6%/tổng nguồn vốn…
Các tổ chức CTXH nhận ủy thác quản lý chặt chẽ vốn TDCS trên địa bàn; chỉ đạo Hội cấp xã tổ chức bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định; Hội đoàn thể các cấp chủ động kiểm tra, giám sát để nắm bắt và xử lý kịp thời tồn tại vướng mắc trong thực hiện TDCS tại cơ sở; củng cố, nâng cao chất lượng Tổ TK&VV; sắp xếp, lưu trữ hồ sơ Hội đoàn thể các cấp và Tổ TK&VV; giám sát hoạt động phiên giao dịch xã, đôn đốc hộ vay trả gốc, trả lãi; lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay của NHCSXH để nâng cao hiệu quả vốn vay…
Ngay từ đầu năm, Chi nhánh cùng các tổ chức CTXH chỉ đạo tập trung cho vay ngay nguồn vốn thu hồi và nguồn vốn được giao năm 2023 với doanh số cho vay 1.710.846 triệu đồng, mức cho vay bình quân sản xuất 69 triệu đồng/hộ, (cho vay hộ nghèo 66,8 triệu đồng, hộ cận nghèo 65,5 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 72,4 triệu đồng). Dư nợ cho vay ủy thác đến 31/12/2023 là 5.595.215 triệu đồng/2.454 Tổ TK&VV/99.935 khách hàng, tăng 843.913 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 99,8% trên tổng dư nợ của chi nhánh. Hội Phụ nữ có doanh số cho vay nhiều nhất (gần 621 tỷ đồng) và cũng là tổ chức hội có doanh số thu nợ lớn nhất (gần 323 tỷ đồng), dư nợ cao nhất (hơn 2 ngàn tỷ đồng).
Năm 2023, các tổ chức CTXH đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho cán bộ kiêm nhiệm cho hơn 7.000 cán bộ Hội cấp xã, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn, thành viên Ban quản lý Tổ TK&VV và Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện cấp huyện; triển khai ứng dụng quản lý tín dụng đến các tổ trưởng Tổ TK&VV và thực hiện thu lãi qua ứng dụng đạt tỷ lệ 100% số tổ. Đến 31/12 có 12.524 khách hàng mở dịch vụ Mobile banking, trong đó có 10.168 khách hàng đã kích hoạt sử dụng dịch vụ.
Hoạt động giao dịch tại 142 Điểm giao dịch xã được tiếp tục duy trì ổn định, nền nếp, đảm bảo an toàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với 1.763 phiên giao dịch, bình quân 1,03 lượt/Điểm giao dịch xã/tháng, 98,7%/tổng số tiền phát sinh tại Điểm giao dịch xã và có 24 Điểm giao dịch xã kiểu mẫu được công nhận… Việc kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch xã được thực hiện hằng tháng trực tiếp và từ xa qua camera, kịp thời nắm bắt thực trạng, những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.
NHCSXH và các tổ chức Hội cấp tỉnh hoàn thành chương trình kiểm tra giám sát năm 2023, với 50 lượt Hội cấp huyện, 86 Hội cấp xã, 148 Tổ TK&VV, 476 hộ vay vốn. Các Hội đoàn thể cấp huyện đã kiểm tra 598 lượt xã, 1.389 lượt Tổ TK&VV, 7.028 lượt hộ vay; Hội đoàn thể cấp xã đã kiểm tra 3.128 lượt Tổ TK&VV, 117.689 lượt hộ vay. Sau các đợt kiểm tra, ngân hàng và các tổ chức Hội có sự trao đổi, đánh giá những mặt được và chưa được của công tác ủy thác để từng đơn vị có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh thực hiện theo đúng quy định.
Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Trong năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh; sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với tổ chức chính trị - xã hội các cấp,… hoạt động ủy thác vốn vay giữa NHCSXH và các tổ chức CTXH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải nguồn vốn TDCS nhanh chóng, kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, nhất là chuyển tải kịp thời nguồn vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị quyết 181/2023/NQ-CP của Chính phủ. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành tốt kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao; chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định, nợ quá hạn 0,07%; Chi nhánh đứng thứ 3 toàn hệ thống và đứng đầu khu vực Tây Nguyên…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin