Lâm Ðồng: Khó khăn trong đầu tư các dự án giao thông

NGUYỄN NGHĨA 07:02, 02/02/2024

Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đèo Prenn là một trong những dự án giao thông quan trọng của tỉnh do Ban Quản lý Dự án Giao thông làm chủ đầu tư vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng
Đèo Prenn là một trong những dự án giao thông quan trọng của tỉnh do Ban Quản lý Dự án Giao thông làm chủ đầu tư vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng

Theo Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, hầu hết các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc khởi công chưa lâu nên khối lượng nghiệm thu không nhiều, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án phải thực hiện nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện; ngoài ra một số dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh quy mô của dự án dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hơn nữa, quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án hiện nay khá phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn và mất nhiều thời gian; các đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn thiếu nhân lực để thực hiện nhiệm vụ. Số hộ dân và diện tích thu hồi đất của các dự án tương đối lớn, giá đất thị trường tăng cao nên việc triển khai công tác thu hồi đất và lập phương án đền bù cho các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Đa số các dự án khi triển khai đều phải chuyển đổi từ đất rừng sang giao thông, diện tích chuyển đổi tương đối lớn nên thời gian để lập phương án và trình các bộ, ban, ngành chấp thuận còn kéo dài.

Để khắc phục những khó khăn trên, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cụ thể như: Tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn, dài hạn; Đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các công trình trọng điểm của tỉnh để kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh, các vùng kinh tế khu vực Tây Nguyên và đồng thời nâng cấp hệ thống giao thông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp mạng lưới đường bộ ngày càng hoàn thiện.

Ngoài ra, Ban tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án; rà soát, kiến nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, rút ngắn thời gian quy trình giải tỏa, đền bù; nghiên cứu mô hình, phương pháp phát huy hiệu quả trong công tác vận động, giải thích, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của Nhân dân hiến đất làm đường giao thông và ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng.

Ban cũng nỗ lực hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình; quan tâm ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin trong quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; tăng cường công tác tư vấn, giám sát nhằm nâng cao chất lượng công trình, kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư, thanh toán, quyết toán, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.

Với những giải pháp trên, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.