Kết quả thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2023, ngành Y tế Lâm Đồng đã tiết kiệm 27,632 tỷ đồng. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh đã tuân thủ việc thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh và hoạt động chung.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước với tổng số 39 gói thầu. Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi 18 gói thầu (chiếm 46,1%); chỉ định thầu 20 gói thầu (51,3%) và chào hàng cạnh tranh 1 gói thầu (2,6%). Tổng giá gói thầu là 56,409 tỷ đồng; tổng giá trúng thầu 52,024 tỷ đồng. Giá trị tiết kiệm qua đấu thầu 4,385 tỷ đồng.
Thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu dịch vụ, mua sắm thường xuyên có tổng số 605 gói thầu. Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi 59 gói thầu (42,8%); chỉ định thầu 55 gói thầu (39,9%). Tổng giá gói thầu là 635,791 tỷ đồng; tổng giá trúng thầu 612,545 tỷ đồng. Giá trị tiết kiệm qua đấu thầu 23,247 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm tập trung có tổng số 3 gói thầu đều thực hiện đấu thầu rộng rãi 100%. Tổng giá gói thầu là 8,951 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 8,724 tỷ đồng.
Sở Y tế Lâm Đồng đã tập trung chỉ đạo các phòng thuộc sở, các đơn vị trực thuộc về công tác đấu thầu thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và năm 2023 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt và chỉ đạo việc tổ chức đấu thầu theo các văn bản mới ban hành. Trong năm 2023, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng đã cử cán bộ thực hiện công tác đấu thầu tham gia nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến công tác đấu thầu. Sở Y tế Lâm Đồng đã chuyển nhiều văn bản liên quan đến đào tạo về công tác đấu thầu cho các đơn vị trực thuộc để đơn vị căn cứ nhu cầu thực tế, cử người tham gia.
Trong năm 2023, ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện một số cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc đấu thầu mua sắm tại các đơn vị trực thuộc như: Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh… Cũng trong năm qua, ngành Y tế tỉnh không nhận được bất kỳ đơn kiến nghị nào của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu.
Ngành Y tế Lâm Đồng đã tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa nhằm phát triển và duy trì hoạt động thường xuyên của ngành theo đúng các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Thực hiện nghiêm túc việc phân cấp trong đấu thầu theo các quy định của HĐND tỉnh cơ bản đáp ứng kịp thời hàng hóa phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Thực tế công tác đấu thầu mua sắm phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh và các hoạt động chung của các đơn vị trực thuộc còn gặp những khó khăn, hạn chế mà nguyên nhân do cán bộ thực hiện công tác đấu thầu hầu hết là kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục đấu thầu; số lượng gói thầu trong năm rất lớn nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đôi lúc còn chậm trễ về thời gian. Bên cạnh đó, công tác mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất của một số đơn vị trực thuộc trong năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn, tổ chức đấu thầu còn chậm tiến độ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh của các khoa, phòng do trong năm có nhiều thay đổi và nhiều văn bản mới được ban hành quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa.
Các đơn vị thực hiện đấu thầu thuốc và vật tư y tế... theo các quy định hiện hành của Nhà nước về đấu thầu. Tuy nhiên, một số thuốc vẫn bị thiếu so với với nhu cầu sử dụng tại đơn vị. Nguyên nhân khách quan do một số thuốc có số lượng mời thầu ít nên không có nhà thầu tham dự. Kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương chậm có kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến đơn vị phải sử dụng các thuốc đơn vị đã trúng thầu có cùng nhóm thuốc hoặc hoạt chất để thay thế nên không chủ động được về số lượng. Nguồn nguyên liệu sản xuất và hàng hóa khan hiếm, giá cả nhiều biến động... khiến việc mua sắm thuốc khó khăn. Việc thiếu thuốc ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh của bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho các y, bác sỹ khi lựa chọn các thuốc thay thế.
Về công khai thông tin trong đấu thầu: Các đơn vị trực thuộc đã đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia và đã được cấp chứng thư số để đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Một số đơn vị trực thuộc còn đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo quy định.
Một số đơn vị trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Chỉ thị số 47/CT-TTg, ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình lựa chọn nhà thầu như: Thành lập các Tổ xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chuyên gia xét thầu độc lập với các Tổ thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
Từ kết quả thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2023, Sở Y tế Lâm Đồng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa chia nhiều thành phần. Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn mới trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất… qua đó đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuốc không lựa chọn được nhà thầu qua nhiều lần đấu thầu với một số nguyên nhân như: Một số thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc phục vụ cấp cứu, thuốc có số lượng sử dụng ít, thuốc không có nhà cung ứng hoặc chỉ có một nhà sản xuất và cung ứng trên thị trường, thuốc có nguồn cung hạn chế… thì không có nhà thầu tham dự qua nhiều lần đấu thầu, liên tục các năm liền nhau; hoặc giá tham dự thầu cao hơn giá kế hoạch và giá kê khai; hoặc tại thời điểm xây dựng kế hoạch mua sắm hàng hóa không tồn tại trên thị trường Việt Nam và nhiều nguyên nhân khách quan khác, dẫn đến các đơn vị không có thuốc sử dụng khi có nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin