Để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân trên địa bàn huyện trong vụ sản xuất Đông - Xuân 2023 - 2024 và năm 2024, UBND huyện Đam Rông đã kịp thời triển khai các phương án ứng phó hiệu quả với tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán có thể xảy ra trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở vùng bị ảnh hưởng và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán xảy ra.
Những ngày này, người dân Đạ M’rông tích cực kéo ống nhằm phòng, chống hạn hán cho diện tích cà phê, lúa |
Ghi nhận vào sáng ngày 6/3 tại các cánh đồng trên địa bàn xã Đạ M’rông, bà con địa phương đang tất bật kéo các ống dẫn nước về diện tích ruộng để “giải khát” và kịp thời xuống mạ cho vụ Đông - Xuân năm 2023 - 2024. Anh Liêng Jrang Ha Khải (thôn Liêng Krắc I) cho hay: “Mấy ngày qua, gia đình cũng đang mong chờ có nước để gieo cấy bởi số lúa gia đình gieo mạ đến nay đã già. Vì mùa này nước thường khan hiếm nên bà con địa phương ai cũng lo lắng mong mỏi. Tôi đang chờ một, hai hôm nữa nếu nước không về kịp thì gia đình lại phải mượn ống nước để kịp thời dẫn đưa nước về ruộng cho kịp vụ mùa”.
Hiện, trên địa bàn xã Đạ M’rông có 7 công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ. Trong đó các ao, hồ nhỏ do Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự đào tại các khu vực tụ thủy để cung cấp nước tưới chủ động cho cây trồng. Đa số các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tương đối đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương và các công trình trên kênh đang cung cấp đủ nước tưới cho diện tích 170 ha lúa, diện tích bắp, rau màu vụ Đông - Xuân năm 2023 - 2024 và cây lâu năm.
Là địa bàn dự báo có nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ, xã Đạ M’rông đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông cho biết: Để công tác phòng, chống hạn hán, UBND xã đã cắt cử cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi, khuyến nông thường xuyên thăm đồng, thăm vườn… Cũng trong gần 1 tuần qua, xã huy động lực lượng bơm nước từ sông vào các cánh đồng bằng các tuyến kênh mương với 3 vị trí máy bơm liên tục trong 5 ngày để chống hạn cho hơn 20 ha lúa vụ Đông - Xuân. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Đội thuỷ nông huyện nạo vét kênh mương thuỷ lợi và điều tiết nước phục vụ sản xuất nhằm đảm bảo có đủ nguồn nước để cung cấp cho quá trình sản xuất cho bà con Nhân dân.
Trong vụ sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2023 - 2024, huyện Đam Rông dự kiến tổng diện tích gieo trồng là 1.015 ha; trong đó 750 ha lúa; 110 ha bắp và 155 ha cây thực phẩm các loại. Hiện, toàn huyện có 12.446 ha đang canh tác cà phê; 1.582,1 ha cây mắc ca; 742,2 ha cây dâu tằm và hơn 2.200 ha cây ăn quả.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 82 công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 68,22% và hơn 3.000 ao, hồ nhỏ do Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự đào tại các khu vực tụ thủy để cung cấp nước tưới chủ động cho hơn 12.649 ha cây trồng bao gồm diện tích đất nông nghiệp còn lại của huyện tận dụng nguồn nước từ sông, suối để tưới. Đa số các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tương đối đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương và các công trình trên kênh đang cung cấp đủ nước tưới cho diện tích 750 ha lúa, trên 265 ha bắp, rau màu vụ Đông - Xuân và hơn 3.500 ha cây lâu năm.
Để chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng, vật nuôi trong vụ sản xuất Đông - Xuân 2023 - 2024 và năm 2024, UBND huyện Đam Rông đã chủ động tích nước tại các hồ chứa nước, ao, hồ nhỏ trên địa bàn huyện, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi và rà soát, đánh giá cụ thể nguồn nước tại các sông, suối, hồ, đập. Khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng khô hạn và những diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn khác như dâu tằm, ngô, khoai, đậu tương...
Cùng với đó, ngay khi bước vào mùa khô, huyện Đam Rông thường xuyên theo dõi mực nước các hồ chứa để có biện pháp điều tiết nước hợp lý và tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước. Ngoài ra, chỉ đạo các xã đã được hỗ trợ máy bơm vào các năm trước tổ chức kiểm tra, khắc phục, sửa chữa để chủ động trong công tác phòng, chống hạn. Bên cạnh đó, chủ động bố trí, lồng ghép nguồn kinh phí của huyện để đầu tư duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công các công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trước thời gian cao điểm của mùa khô.
Đối với một số diện tích đất sản xuất của người dân có khả năng không đủ nước tưới vào cuối mùa khô như cánh đồng Thôn 2- xã Rô Men, cánh đồng Măng Tung- xã Đạ M’rông; cánh đồng Đạ Glồng, xã Liêng S’rônh…; UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân chuyển sang trồng những cây trồng có nhu cầu sử dụng ít nước.
Đặc biệt, huyện Đam Rông thực hiện nguyên tắc phòng, tránh là chủ yếu với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” nhằm tập trung mọi nguồn lực cho công tác khắc phục hạn hán một cách kịp thời và hiệu quả. Trong đó, triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán theo nguyên tắc ưu tiên nguồn nước cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin