Ba cùng, đó là cùng ăn, cùng ở và cùng họp bàn ngay tại trạm, chốt để canh lửa trong mùa khô. Các điểm lửa nhỏ khi phát sinh được lực lượng “ba cùng” phát hiện nhanh và xử lý kịp thời. Cách làm này tại Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh đã và đang phát huy hiệu quả. Nhờ đó, 2 năm qua, lâm phần rừng do đơn vị quản lý không xảy ra cháy rừng.
Lên phương án tuần tra, bảo vệ rừng |
Tháng 3, Tây Nguyên đang vào cao điểm mùa khô hanh. Cảnh báo cháy rừng đang ở mức độ 4. Rừng Lâm Đồng thời điểm này tiềm ẩn cháy cao. Nhất là diện tích rừng trồng, rừng liền kề khu dân cư, khu sản xuất và địa bàn rừng có người dân, du khách ra vào tham quan. Hiện các chủ rừng ở Lâm Đồng đang "căng mình", chủ động các phương án phòng cháy.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt rừng, chúng tôi có mặt tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu Cầu Cháy, thuộc Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh. Khác với mùa mưa, mùa khô tại trạm luôn có 5 đến 7 nhân viên lâm nghiệp, hộ nhận khoán thực hiện phương châm “3 cùng” để canh lửa. Trạm được đặt ngay đầu cửa rừng. Từ đây, người dân ra vào rừng được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, sử dụng lửa bất cẩn trong vùng rừng. “Rất thuận lợi, chúng tôi ăn, ngủ tại chỗ, vào buổi sáng hàng ngày họp bàn phương án, sau đó phân công nhóm tuần tra các tiểu khu được phân công, nên các diễn biến rừng ở đây được quản lý, nhất là kịp thời xử lý các điểm rừng nguy cơ cháy xảy ra”, anh Vũ Xuân Quang, cán bộ lâm nghiệp, Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh chia sẻ.
Phương châm “3 cùng” giữ rừng mùa khô được triển khai ở các trạm và các điểm chốt. Chốt cắm vị trí trên cao, mọi sinh hoạt của lực lượng bảo vệ rừng luôn thường trực 24/24 giờ. Cứ 5 ngày lại có nhóm khác lên thay, luân phiên “3 cùng” thường trực trong suốt cả mùa khô. Ông K’De - hộ nhận khoán bảo vệ rừng, Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh, cho rằng: “Mình được Nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng rồi thì phải có trách nhiệm canh rừng; hầu như mùa khô, cả ngày lẫn đêm anh em ít khi ở nhà mà có mặt suốt trong rừng để bảo vệ”. Ông Vũ Tuấn Anh - Trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng, Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh, khẳng định: “Phương châm 3 cùng cũng là cách làm đổi mới, linh động và chủ động của chúng tôi để phòng cháy rừng trong mùa khô; vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả, anh em khi được phân công theo nhóm trực trạm, trực chốt phải tự lo tiền ăn, xăng xe… Tuy nhiên vì mùa khô cao điểm tiềm ẩn cháy rừng nên chúng tôi cũng động viên và quyết tâm không để xảy ra cháy rừng”.
Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh đang quản lý hơn 25 nghìn ha rừng. Cao điểm mùa khô có khoảng 10 nghìn ha, trong đó gần 2 nghìn ha rừng trồng trong diện nguy cơ xảy ra cháy cao. Thời điểm này, ngoài 4 trạm chính thì tại 34 tiểu khu trên địa bàn hành chính 4 xã Bảo Thuận, Đinh Lạc, Tam Bố, Gia Hiệp và vùng rừng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, đơn vị đều bố trí chốt gác tầm cao để nắm bắt, theo dõi diễn biến vùng rừng. Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh, cho biết: “Ngay đầu mùa khô, việc xử lý nắm bắt tình hình đơn vị thực hiện nhiều biện pháp, trong đó áp dụng công nghệ thông tin theo dõi trên zalo, đối với cán bộ lãnh đạo chủ yếu bám cơ sở cùng anh em trực cháy. Mặc dù nhân lực, nhân viên đang thiếu, địa bàn rừng trải rộng, nhiều vùng rừng giáp ranh nhưng với phương châm "3 cùng", thực hiện phương án "4 tại chỗ", chúng tôi luôn hết mình làm sao giữ rừng được bình yên trong mùa khô hanh”.
Mức độ cảnh báo cháy rừng Lâm Đồng đang cao điểm. Với phương châm phòng là chính, chủ rừng tự quản, tự đổi mới cách làm, gắn với phương châm “3 cùng” phòng cháy rừng tại Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, Di Linh cho thấy tính chủ động, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên lâm nghiệp và hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã góp phần giữ rừng bình yên, nhất là kịp thời, phát hiện và xử lý khi có cháy rừng xảy ra trong mùa khô hanh như hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin