Cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều nơi đã thiếu nước phục vụ sản xuất, kể cả nước sạch sinh hoạt của bà con Nhân dân. Chính vì vậy, ngoài các giải pháp của chính quyền địa phương, việc tiết kiệm nước sạch không chỉ là câu chuyện của những vùng thiếu nước, đó còn là câu chuyện của mọi người dân trên địa bàn khi hạn hán, thời tiết cực đoan ngày một diễn ra gay gắt hơn.
Người dân huyện Lạc Dương sử dụng nguồn nước sạch từ bồn chứa nước tập trung |
Mới đây nhất, ngày 16/4, Nhà máy nước Đạ Huoai thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng ra thông báo tạm ngừng cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai. Nguyên nhân là do suối Đạ Mrê đã không còn nước để cung cấp cho Trạm cấp nước sinh hoạt Đạ M'ri, việc này khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng. UBND huyện Đạ Huoai đã phải gấp rút huy động các lực lượng, vất vả tìm kiếm các nguồn nước quanh khu vực để cung cấp nước cho Nhà máy nước Đạ Huoai hoạt động trở lại.
Trước đó, đầu tháng 3/2024, người dân hai xã Lộc Châu, Đại Lào (TP Bảo Lộc) cũng thiếu nước sạch nghiêm trọng, phải mua nước sạch từ nhiều nơi khác nhau với giá 100.000 đồng/m3. Và tại nhiều địa phương như huyện Bảo Lâm, Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh,... việc thiếu nước sinh hoạt cục bộ do hạn hán, mực nước ngầm xuống thấp, các sông, suối, ao, hồ cạn kiệt nước đã diễn ra trong cao điểm mùa khô năm nay.
Theo ghi nhận của phóng viên, người dân tại nhiều khu vực của các địa phương ít nhiều đều thiếu nguồn nước tưới cà phê và cho các cây trồng nông nghiệp chủ lực khác kéo dài từ nhiều tuần liền. Về nguồn nước sinh hoạt, nhẹ thì các công ty cấp nước tại các xã, thị trấn cúp nước luân phiên, nguồn cung cấp phải theo khung giờ nhất định, nặng là thông báo ngưng hoạt động, điển hình là Nhà máy nước Đạ Huoai như đề cập ở trên.
Những thông tin về thiếu nước sạch vẫn tiếp nối ngay cả trung tuần tháng 4 này, ngay khi những cơn mưa đầu mùa đã tạm thời “giải khát” cho một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và 3 huyện phía Nam (Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc lưu ý các địa phương mặc dù mưa đầu mùa tạm thời giải tỏa việc thiếu nước nhưng do lượng mưa không cao, chỉ tập trung tại một số khu vực nên nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài cần phải có các phương án chủ động trước mắt và cả lâu dài, tránh bị động. Đây là nhiệm vụ các địa phương phải lưu tâm đặc biệt để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt ổn định cho bà con Nhân dân.
Hiện nay, theo báo cáo, nguồn nước sạch phục vụ cho các TP Đà Lạt, Bảo Lộc, các thị trấn của các huyện cũng đang không hề dư dả. Trong khi đó, mực nước ngầm của hầu hết các địa phương đều ghi nhận sụt giảm do vấn đề khai thác nước, sử dụng ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, người dân canh tác nông nghiệp tưới nước cho cây trồng theo phương thức cũ, chưa áp dụng hệ thống tiên tiến tưới nước nhỏ giọt, trong sinh hoạt còn nhiều người dân chưa có ý thức tiết kiệm nước sạch,... Do đó, nếu không có các biện pháp, giải pháp phòng xa, người dân chưa lan tỏa được thói quen tiết kiệm nước sạch thì chuyện thiếu nước gay gắt hơn, lan rộng hơn sẽ là việc sớm hay muộn.
Theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn năm 2023, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 281 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong đó, số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động là 176/281 công trình (tương đương 62,63%), tỷ lệ sử dụng nước thấp (17.493/30.377 hộ theo thiết kế, tương đương 57,59%). Nguyên nhân hiện nay hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu nên việc đầu tư thiếu đồng bộ. Nhiều công trình không có thiết bị xử lý nước hoặc thiết bị xử lý theo dạng cổ điển. Đồng thời, qua thời gian sử dụng lâu dài, đến nay, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, ngừng hoạt động.
Trước thực trạng hiện tượng El Nino, tình trạng khô hạn, thiếu nước đã và đang xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng và nhiều vùng trên cả nước, lãnh đạo tỉnh cho rằng, trong bối cảnh nguồn nước có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt vẫn tồn tại bất cập về sử dụng nước lãng phí do con người. Bởi vậy, cùng với cả nước, UBND tỉnh Lâm Đồng từ năm 2017 đã đưa ra lời kêu gọi Nhân dân “Phải cấp bách tiết kiệm nước. Tiết kiệm nước không chỉ là câu chuyện của những vùng thiếu nước. Nó còn là câu chuyện của sự văn minh và lòng sẻ chia với những người khó khăn”.
Cùng với lời kêu gọi trên, ngành Nông nghiệp địa phương cũng hướng dẫn, đề nghị người dân trong mùa khô nên ưu tiên nước sinh hoạt. Khi tắm cũng tiết kiệm nước, tái sử dụng nước rửa tay, rửa rau. Đồng thời, tiết kiệm nước từ những việc đơn giản như thay thế các loại vòi nước bằng vòi phun, không tắm bằng bồn hay tắm quá lâu, tắt vòi nước không để rò rỉ. Các giải pháp tích trữ nước sạch như làm bồn, hồ trữ nước tại nhà, để dành dùng lúc cao điểm thiếu nước cần làm ngay. Cùng với đó, tiết kiệm nước phải trở thành thói quen của mọi người, mọi nhà. Đó là cách mỗi người dân góp phần gìn giữ nguồn nước sạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường không chỉ hôm nay mà cho cả con cháu chúng ta mai sau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin