Cần vận động người đi đường và các nhà xe không xả rác trên đỉnh Hòn Giao  

GIA KHÁNH 06:01, 04/04/2024

Không khó để thấy rác thải vương vãi khắp nơi tại khu vực đỉnh Hòn Giao trên tỉnh lộ 723 (địa phận huyện Lạc Dương), nơi giao nhau giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa. 

Không được thu gom, rác thải sẽ tràn ngập 
điểm Hòn Giao
Không được thu gom, rác thải sẽ tràn ngập điểm Hòn Giao

Điều đáng nói đây là con đường được mệnh danh là “cung đường nối biển và hoa” - nối Khánh Hòa với Lâm Đồng, chạy xuyên qua địa phận Lạc Dương, xuyên qua Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với phong cảnh tuyệt đẹp. Thế nhưng, ngay tại điểm giao nhau trên đỉnh Hòn Giao này, có thể thấy rác thải như túi nhựa, áo nhựa mỏng đi mưa, túi đựng đồ ăn, chai nhựa đựng nước uống, bao bì nhựa và bao bì giấy các loại thực phẩm… nằm vương vất khắp nơi. 

Vì nơi đây cách rất xa các khu dân cư, nằm trong một vùng hoang vắng, vậy thì rác thải đến từ đâu? Từ các xe chở khách, xe ô tô, các xe máy qua lại trên con đường này. Nhiều xe khi vượt đèo lên đến đỉnh dừng lại nghỉ chút cho khách ngắm cảnh, tìm chỗ vệ sinh, tiện thể đẩy mọi loại rác trong xe ra ven đường một cách thản nhiên rồi lên xe đi tiếp.

Lượng rác thải này nếu không được thu gom và xử lý, lâu ngày có nguy cơ biến nơi đây thành một điểm tích tụ rác ngay một địa điểm có thiên nhiên hùng vỹ tuyệt đẹp như thế. Đó là chưa kể địa điểm này nằm trên cao, ngay trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nước mưa có thể đẩy một số rác thải nhựa này xuống các vùng trũng thấp, gây ô nhiễm cho khu vực này về lâu về dài.

Như đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, địa hình miền núi của tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trong mùa mưa hay những thời điểm mưa lớn, bão lũ, một lượng lớn các loại rác thải từ các điểm cao, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải bị cuốn theo dòng nước mưa đẩy về các thung lũng, sông, suối, ao, hồ, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân trước mắt cũng như lâu dài.

Về mặt thu gom rác thải, với một tỉnh như Lâm Đồng nơi có địa hình cao nguyên, đồi núi, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Do các cộng đồng dân cư sống rải rác, phân tán, phương tiện thu gom, vận chuyển của nhiều địa phương còn hạn chế nên tần suất thu gom, vận chuyển tại một số khu vực chỉ được thực hiện khoảng 3 - 4 lần/tuần. Khi gặp mưa lớn, một lượng chất thải chưa được thu gom, vận chuyển sẽ theo dòng nước dồn về những khu vực thấp, chảy ra các ao, hồ. Việc thu gom, vận chuyển rác thải ở vùng cao cũng có chi phí cao hơn khu vực đồng bằng bằng phẳng, do đó, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đạt chưa cao.

Như tại Lạc Dương hiện nay, với tổng diện tích khoảng 1.300 km2, hiện có 57 điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên nguồn nhân công phục vụ cho công tác thu gom còn rất ít. Cả huyện chỉ có 12 công nhân thuộc bộ phận thu gom, vận chuyển, trong đó có 2 lái xe, 5 công nhân vệ sinh đường phố và 5 công nhân đi thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo xe. 

Và cũng do trên địa bàn huyện Lạc Dương chưa có nhà máy xử lý hoặc lò đốt chất thải rắn sinh hoạt nên toàn bộ rác thải sinh hoạt của huyện nhiều năm nay được chuyển ra xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt tại xã Xuân Trường. Nếu tính cự ly vận chuyển, hầu hết các điểm thu gom của Lạc Dương đều nằm cách rất xa nhà máy xử lý rác tại Đà Lạt này, điểm gần nhất như tại thị trấn Lạc Dương khi vận chuyển ra đây cũng mất 30 km. Còn nếu đi thu gom tại điểm Hòn Giao - điểm thu gom rác thải sinh hoạt xa nhất của huyện Lạc Dương khi chở rác ra đến nhà máy cũng phải mất đến 70 km. Chính điều này đã gây khó khăn rất nhiều cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của huyện Lạc Dương hiên nay.

Chính vì vậy, để hỗ trợ giảm bớt những khó khăn cho huyện Lạc Dương trong thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện, cụ thể là việc thu gom rác thải tại điểm Hòn Giao xa xôi này, không thể trực nhật để gom rác hằng ngày nơi đây, nhất là các dịp lễ, tết khi mật độ giao thông qua đây tăng cao, ngành chức năng tỉnh cần phối hợp với huyện để làm tốt hơn công tác truyền thông, có các bảng cấm rả xác nơi đây đồng thời, có chiến dịch vận động các nhà xe cùng khách đi xe đừng xả rác nơi đây cũng như trong suốt hành trình trên các chuyến xe.